Tin tức

Nhà giàu Mỹ cũng đổ xô săn hộ chiếu vàng của Cyprus

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong những năm trước, công dân Mỹ hiếm khi tìm mua hộ chiếu vàng của quần đảo Cyprus nhưng điều này đang thay đổi, nhiều công ty di trú cho biết họ đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ các công dân của quốc gia giàu nhất thế giới này.

Theo một thông báo vào tháng trước trên một tờ báo của Cyprus được trang web Recode đưa tin lần đầu tiên, cựu giám đốc điều hành của Alphabet Inc. đã đăng ký trở thành công dân của Cyprus. Ông Eric Schmidt, 65 tuổi, gần đây đã nộp đơn xin trở thành công dân Cyprus, đài truyền hình Bloomberg cho biết.

Ông Eric Schmidt có được tất cả những đặc trưng của một công dân Mỹ giàu có: Siêu du thuyền, máy bay phản lực Gulfstream, một căn hộ áp mái ở Manhattan.

Những năm trước, công việc kinh doanh của các công ty di trú phát triển mạnh chủ yếu nhắm đến những người từ các quốc gia như Trung Quốc, Nigeria hoặc Pakistan.

Khi đề cập đến hiện tượng nhà giàu Mỹ ồ ạt tìm hộ chiếu vàng thứ 2, ông Paddy Blewer, giám đốc Công ty Tư vấn cư trú và quốc tịch Henley & Partners có trụ sở tại thủ đô London - Anh, cho biết: "Trước đây chúng tôi chưa từng thấy điều này xảy ra. Vào cuối năm 2019 "con đập thực sự đã vỡ" và chúng tôi không kịp nhận ra điều đó. Việc tìm hộ chiếu thứ 2 của người Mỹ đang tiếp tục mạnh lên".

Một phát ngôn viên của chính phủ Cyprus từ chối bình luận. Đại diện của ông Schmidt - người có tài sản trị giá 19 tỉ USD theo chỉ số tỉ phú của đài Bloomberg - cũng đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Những lợi ích của việc sở hữu hộ chiếu thứ hai, bao gồm từ mức thuế có khả năng thấp hơn, đến quyền tự do đầu tư hơn và việc đi lại ít phức tạp hơn, có thể chỉ tốn khoảng 100.000 USD.

Cái gọi là chương trình đầu tư theo quốc tịch chưa từng phổ biến với người Mỹ kể từ khi một trong những điểm thu hút chính của chúng - các chế độ thuế thuận lợi của các quốc gia được thông qua - ít mang lại lợi ích cho công dân Mỹ.

 

Nhiều công dân Mỹ đang muốn kiếm quốc tịch đảo Cyprus. Ảnh: The Global Herald



Tuy nhiên khi khủng hoảng đại dịch Covid-19 diễn ra, các công dân Mỹ đã tăng nhu cầu hộ chiếu thứ 2 để duy trì một số quyền tự do đi lại trong lúc các biện pháp phong tỏa đang gia tăng.

Mặt khác, cuộc bầu cử tại Mỹ cũng thu hút sự quan tâm của người dân. Mặc dù ông Joe Biden đã bác bỏ thông tin về thuế tài sản nhưng các đề xuất khác của ông có thể phá vỡ cách mà nhiều người Mỹ muốn tránh, đó là thuế đánh vào lợi nhuận đầu tư của họ.

Theo Công ty Tư vấn quyền công dân Apex Capital Partners, một số người Mỹ cũng đã tìm cách xin hộ chiếu bổ sung do lo ngại về bất ổn xã hội đã tăng 650% kể từ cuộc bỏ phiếu đến tháng 11 này.

Ông Nuri Katz, người sáng lập Apex, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Những người có nhu cầu mua quốc tịch thứ 2 thường nói: "Chúng tôi không rời Mỹ ngay bây giờ nhưng cảm thấy lo ngại và muốn có một cái gì đó khác để đề phòng".

Liên bang Saint Kitts và Nevi (đảo quốc nằm trong khu vực Caribbe) là quốc gia đầu tiên giới thiệu chương trình đầu tư theo quốc tịch vào đầu những năm 1980, sau đó có hơn một số quốc gia khác làm theo.

Ngành công nghiệp này đã tạo ra rất nhiều sự ngạc nhiên trong việc biến một cách hiệu quả quyền công dân- thường có được từ nơi sinh hoặc di sản - thành thứ có thể mua được.

Nó cũng đã có khá nhiều tai tiếng. Nhà tài chính Jho Low người Malaysia bỏ trốn, nằm trong số 26 cá nhân mất quyền công dân Cyprus vào cuối năm 2019. Dân biểu Demetris Syllouris của Hạ viện Cyprus phải từ chức vào tháng 10 -2020 sau khi giúp một doanh nhân Trung Quốc có tiền án nhận quyền công dân của Cyprus.

"Giá trị châu Âu không phải để bán" - Ủy viên Tư pháp Liên minh châu Âu, ông Didier Reynders, đã viết trên Twitter vào tháng 10 vừa qua.

Sau các vụ bê bối, Cyprus cho biết họ sẽ chấm dứt chương trình đầu tư cho hộ chiếu hiện tại vào ngày 1-11. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu đã ra tối hậu thư pháp lý cho Malta và Cyprus về các chương trình đầu tư theo quốc tịch của họ, cho rằng họ có thể đã vi phạm luật của EU. Chính phủ Malta và Cyprus đã thông báo kế hoạch sửa đổi chương trình của mình trước khi EU có hành động.

Theo Gia Minh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm