Các quan chức ngư nghiệp tỉnh Mie ngày 30-10 cho biết các ngư dân ở đảo Toshi, thành phố Toba, thuộc tỉnh này đã đánh bắt được cá Soshihagi thuộc họ Kawahagi có chứa chất độc cực mạnh.
Cá Soshihagi do ngư dân đánh bắt được ở vùng biển gần đảo Toshi, thành phố Toba tỉnh Mie. |
Sở tài nguyên và thuỷ sản tỉnh Mie cho biết loài cá này hay vướng vào các mẻ lưới của ngư dân xảy ra 1-2 lần trong năm ở vùng biển Kumanonada, đồng thời lưu ý người dân “tuyệt đối không được ăn loài cá này” do có nọc độc gấp 50 lần cá nóc.
Theo nhà chức trách tỉnh Mie, con cá đánh bắt được có chiều dài khoảng 40cm, nặng 500g. Lâu nay, Soshihagi thường sống ở những vùng biển ấm nhưng trong những năm gầy đây, loại cá này lại được tìm thấy ở Ise và Shima từ tháng 10 đến tận mùa Đông.
Từ đầu tháng 10-2012, loại cá chứa chất kịch độc này xuất hiện cả trong những mẻ đánh bắt ở đảo Suga. Chủ tịch Hiệp hội đánh bắt Isobe ở Toba, ông Fujiwara Takahito, 54 tuổi, cho biết: “Loài cá này xuất hiện nhiều hơn so với mọi năm. Soshihagi được tìm thấy ở Kumanonada nhưng xuất hiện ở cả vùng biển thành phố Shima thời gian gần đây thì đúng là rất hiếm thấy. Nhiều khả năng doảnh hưởng của hiện tượng trái đất ấm lên nên loài cá này đã bơi ngược lên phía Bắc”.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, nếu bị nhiễm chất độc palitoxin của loại cá này, nạn nhân sẽ xuất hiện các biểu hiện đau cơ, suy hô hấp, co giật và tê liệt thần kinh dẫn tới tử vong. Chất độc khủng khiếp của loài cá này nằm trong ruột và gan của nó.
Ở Nhật Bản, Soshihagi thường sống sinh sống ở vùng biển thuộc tỉnh Okinawa và Kochi. Thống kê của Bộ này cho biết từ năm 1953-2009, ở Nhật có 36 trường hợp ngộ độc chất palitoxin trong đó có 6 trường hợp tử vong. Tuy chưa có trường hợp nào tử vong do ăn trực tiếp phải cá Soshihagi nhưng có báo cáo về việc gia súc chết do ăn nhầm loài cá này.
Theo dantri