Phun thuốc khử trùng tại một trang trại nuôi chim cút ở Nhật Bản. |
Để phòng chống dịch bệnh lan rộng, Chính phủ nước này đã yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện tiêu hủy gia cầm sớm.
Thông thường, việc tiêu hủy gia súc, gia cầm được thực hiện sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định chúng bị nhiễm bệnh, nhưng đây là lần đầu tiên giới chức Nhật Bản quyết định tiêu hủy trước khi có kết quả xét nghiệm.
Chính quyền tỉnh Shimane đã gửi mẫu bệnh phẩm lấy từ những con gà bị chết đến Viện nghiên cứu dịch tễ động vật để xét nghiệm và sẽ có kết quả cụ thể trong ngày 1-12.
Các cơ quan chức năng Nhật Bản cũng đã thiết lập vành đai cấm vận chuyển gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm, cũng như thiết lập các trạm tẩy trùng trên các con đường ra vào ổ dịch theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm gia súc, gia cầm. Các trại gia cầm xung quanh ổ dịch cũng được gấp rút kiểm tra và tiến hành các biện pháp phòng bệnh.
Trong khi đó, nhằm ngăn ngừa dịch cúm gia cầm A(H5N1) quay trở lại và bùng phát, Bộ Y tế Philippines đã thành lập một đơn vị đặc nhiệm liên bộ, tăng cường công tác chuẩn bị đối phó và giảm thiểu nguy cơ virus cúm gia cầm xuất hiện.
Theo Bộ trưởng Y tế Philippines Enrique Ona, đơn vị này gồm các chuyên gia đến từ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp, các quan chức hàng không và Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên.
Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh cúm gia cầm A(H5N1) có thể lây sang người và gây nên các triệu chứng như sốt, cơ thể mỏi mệt, đau cơ, đau họng, ho, nhức mắt, tiêu chảy, khó thở .
Bệnh tiến triển rất nhanh và tỷ lệ tử vong thường từ 60-70%. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, đã có ít nhất 508 người trên toàn thế giới nhiễm cúm A(H5N1) và khoảng 60% số này tử vong.
Theo TTXVN