Tin tức

Nhiều nước rộn ràng đón Tết Nguyên đán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp lễ hội lớn nhất trong năm tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Singapore.

Tại Trung Quốc, nơi có đông người dân đón Tết Nguyên đán nhất trên thế giới, không khí Tết đã tràn ngập trên các đường phố. Các món đồ trang trí Tết, chủ yếu có màu đỏ, đã trở thành mặt hàng được mua nhiều nhất trong dịp lễ hội lớn nhất trong năm.

Theo truyền thống, người Trung Quốc trang trí nhà cửa với nhiều màu đỏ sặc sỡ vào dịp Tết như đèn lồng đỏ là để cầu thịnh vượng trong năm mới. Ngoài việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa, các gia đình cũng chuẩn bị làm các món ăn để ăn và tiếp khách khứa, biếu bạn bè, người thân trong ngày lễ này, trong đó không thể không kể đến các loại bánh Tết. Người Trung Quốc quan niệm, vị ngọt của bánh tượng trưng cho một cuộc sống sung túc, thịnh vượng, hình tròn thể hiện sự đoàn viên trong gia đình trong năm mới.

Múa Rồng đón Tết tại Trung Quốc.

Với dân số người Trung Quốc chiếm số đông, Tết Nguyên đán được tổ chức rất tưng bừng tại Singapore. Ngay từ những ngày trước Tết, đèn lồng đỏ, hình rồng bay phượng múa được treo khắp nơi trên đường phố. Khu phố Trung Quốc nhộn nhịp mua bán thực phẩm và trái cây tượng trưng  cho may mắn trong năm mới. Nhiều người tin rằng con rồng là biểu tượng của sự tốt lành và hi vọng trong năm mới quốc đảo sư tử có tỉ lệ sinh thấp kỷ lục sẽ được đón thêm nhiều công dân mới.

Một người dân cho biết: “Tôi tin rằng năm nay tỉ lệ sinh sẽ tăng 10-20%. Trong những năm qua tỉ lệ sinh đã rất thấp, và năm nay-năm con rồng hi vọng con số này sẽ tăng”.

Ghé qua Campuchia, đường phố tại thủ đô Phnom Penh tràn ngập màu đỏ rực rỡ của những cây thanh long. Năm nay thay vì mua cây quất để trưng bày trong nhà như mọi năm, người dân nước này lại mua cây thanh long với nghĩa tượng trưng là rồng theo quan niệm của người Á Đông là biểu tượng của sức mạnh.

Một người bán cây ven đường chia sẻ: “Năm nay là năm con rồng, nên mọi người đều muốn mua cây thanh long về trưng bày trong nhà với hi vọng hạnh phúc sẽ đến nhiều hơn trong năm mới”.

Bên kia Bán Cầu, Thành phố San Francisco của Mỹ là nơi tập trung người gốc Á đông và lâu đời nhất. Bước qua cánh cửa đỏ đặc trưng dẫn vào khu phố Trung Quốc ở đại lộ chính, không khí rộn ràng náo nức đón chào năm mới đã tràn ngập. Đây chính là khu sinh hoạt cộng đồng lớn nhất và mang đậm màu sắc Á Đông nhất. Tết ở đây kéo dài, từ vài tuần trước Tết đến hết Rằm tháng Giêng. Và đặc sắc nhất trong các hoạt động ngày Tết vẫn là lễ diễu hành - múa lân mừng năm mới. Đây được đánh giá là một trong những lễ diễu hành hoành tráng nhất thế giới, được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh quốc tế. Khu phố Trung Quốc ở Manhattan, New York, Mỹ cũng là điểm đến rất hấp dẫn trong dịp Tết. Tòa tháp Empire State ở New York đã được thắp sáng từ tối thứ 6 vừa qua, như một hoạt động tiêu biểu để chào đón năm con rồng theo lịch của người Trung Quốc.

Giám đốc tòa nhà cho biết: “Ánh sáng màu đỏ và màu vàng, tượng trưng cho hạnh phúc và sự thịnh vượng, sẽ được thắp sáng trên bầu trời thành phố, mang lại may mắn trong năm mới cho tất cả mọi người”.

Thủ đô Paris của nước Pháp là một trong những nơi tập trung đông người châu Á nhất ở châu Âu. Cách thức ăn mừng ngày Tết Á Đông ở thành phố này không quá rộn ràng, náo nhiệt nhưng tràn ngập sắc màu.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm