(GLO)- Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày những chiếc túi ni lông hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta? Tôi tự hỏi và không dám chắc. Nhưng nếu nó xảy ra thật, tôi nghĩ, rất nhiều người, kể cả mình, sẽ rơi vào cảnh lúng túng không biết xoay xở làm sao. Là bởi, tất cả chúng ta đều đã quá lệ thuộc vào túi ni lông trong cuộc sống hàng ngày. Từ đi chợ mua rau quả, thịt cá, vào siêu thị mua hàng hóa… đến cả khi đem rác trong nhà đi bỏ, tất tật chúng ta đều sử dụng túi ni lông.
Đoàn viên, thanh niên tham gia dọn rác tại đồi thông xã Ia Dêr (huyện Ia Grai, Gia Lai). Ảnh: Đ.T |
Những tiện ích mà túi ni lông đem lại cho cuộc sống con người thật không sao kể hết. Cũng bởi những tiện ích ấy mà nó được con người trên khắp thế giới sử dụng tràn lan, vô tội vạ trong sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng sử dụng các loại đồ nhựa dùng 1 lần như ống hút, ly, thìa, vỏ chai… cũng diễn ra tương tự. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Và mặt trái của việc sử dụng tràn lan túi ni lông, đồ nhựa dùng 1 lần, những loại vật liệu cần đến hàng chục, thậm chí vài trăm năm mới có thể phân hủy trong điều kiện tự nhiên, chính là vấn đề ô nhiễm môi trường mà giới chuyên môn gọi là “ô nhiễm trắng”.
Trong một bài báo gần đây mà tôi đọc được, tác giả có dẫn ra những con số trong báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Theo đó, năm 2018, trên thế giới đã có 5.000 tỷ túi ni lông được con người sử dụng 1 lần và cứ mỗi phút lại có 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được tiêu thụ. Không có con số chính thức về số lượng túi ni lông và rác thải nhựa được xử lý, chỉ biết rằng, mỗi năm có tới 8 triệu tấn rác thải nhựa trên khắp thế giới được đổ ra đại dương. Nếu điều này tiếp diễn, người ta ước tính rằng, đến năm 2050, các đại dương trên thế giới sẽ nhiều rác thải nhựa hơn cá. Và buồn thay, trong số các quốc gia đổ rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới lại có tên Việt Nam (chỉ đứng sau 4 nước là Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan).
Thế giới đang đối mặt với thảm họa ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa. Việt Nam cũng vậy. Thậm chí, ô nhiễm môi trường ở nước ta còn trầm trọng hơn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới khi mà lượng rác thải ra rất nhiều nhưng tỷ lệ được thu gom, xử lý vẫn rất ít do thiếu kinh phí. Lấy ví dụ như tại TP. Hồ Chí Minh, theo số liệu của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thành phố, mỗi ngày có khoảng 1.800 tấn rác thải nhựa ở địa phương này được thu gom nhưng chỉ 11% trong số đó được thu hồi tái chế, số còn lại đổ ra môi trường như kênh rạch, cống thoát nước… Hệ quả của việc rác thải nhựa không được thu gom, xử lý hết trong thời gian dài là nhiều vùng đất, nhiều kênh rạch, dòng sông trên khắp đất nước ta đã trở thành “vùng đất chết”, “con kênh chết”, “dòng sông chết”. Đi kèm với đó là những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.
Chống rác thải nhựa vì vậy đã và đang trở thành vấn đề cấp bách với tất cả các quốc gia trên thế giới. Tại nước ta, những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nhựa. Trong đó, nổi bật nhất là việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 với những mục tiêu hết sức cụ thể về giảm sử dụng, tăng thu gom, tái sử dụng túi ni lông. Và mới đây nhất, vào ngày 9-6, lễ ra quân toàn quốc phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, giải quyết ô nhiễm môi trường, nhất là do rác thải nhựa và túi ni lông gây ra là nhiệm vụ cấp bách, phải thực hiện thường xuyên và đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân. “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể, không tuyên truyền suông, không vận động chay; chủ động kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững”-Thủ tướng nhấn mạnh.
Để phong trào “Chống rác thải nhựa” không rơi vào “tuyên truyền suông”, “vận động chay” như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tiên phong gương mẫu “nói không” với túi ni lông, đồ nhựa sử dụng 1 lần. Từ đó, tạo sức lan tỏa đến đông đảo nhân dân, giúp mỗi người nâng cao ý thức, tự thay đổi thói quen hành vi của bản thân. Chỉ khi tất cả chúng ta cùng vào cuộc chống rác thải nhựa, khi ấy, “ô nhiễm trắng” mới có thể bị đẩy lùi.
LÊ HÀ