Thời sự - Bình luận

Những vị tướng chiến trường "quần dài quàng cổ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tướng Nguyễn Văn Man, từng ngồi cano đi cứu dân, giữa đêm, trên đỉnh lũ. Đại tá Hùng, từng vào tận hầm cứu hộ Đạ Dâng cứu công nhân sập hầm. Họ, thật sự là những người lính quả cảm.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, từng vào tận hầm cứu hộ khi công binh mở đường cứu 12 công nhân trong vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng tháng 12.2014. Hôm qua, ông hy sinh trên đường vào hiện trường Rào Trăng 3. Ảnh TPO
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, từng vào tận hầm cứu hộ khi công binh mở đường cứu 12 công nhân trong vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng tháng 12.2014. Hôm qua, ông hy sinh trên đường vào hiện trường Rào Trăng 3. Ảnh TPO


Đây là bức ảnh đại tá Nguyễn Hữu Hùng, tổng chỉ huy các lực lượng cứu nạn - được báo TPO chụp vào ngày 19.12.2014 khi công binh mở đường cứu nạn trong vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng.

Hôm ấy, công binh đã phải đào hầm xuyên lòng đất để cứu 12 công nhân sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng.

Hôm ấy, tất cả đều phải đào thủ công bằng sức người.

Hôm ấy, đại tá Hùng, Tổng tham mưu trưởng binh chủng Công binh, đã rất nhiều lần vào tận trong hầm cứu hộ - chật hẹp, ẩm ướt, đầy hiểm nguy - để thị sát, chỉ đạo lính của mình, trong những thời điểm khó khăn gian khổ nhất.

Hôm ấy, sau 24h10 phút, công binh tiếp cận 12 nạn nhân sập hầm. Nhiệm vụ hoàn thành.

Tổng tham mưu trưởng vào tận hầm cứu hộ với lính. Và cũng như thế, ở Rào Trăng, Đại tá Hùng tiếp tục băng rừng, hàng chục km, giữa bão lũ, để đến được tới hiện trường sạt lở.

Điều đó không thể nói khác: Đó là sự quả cảm.

Trong lịch sử đường Trường Sơn, cũng có một vị đại tá huyền thoại: Chính uỷ Đặng Tính của đoàn 559.

Tại ngầm Ba Lòng (Quảng Trị) tháng 3-1972, khi đợt ném bom B.52 vừa dứt, những lính công binh sửa ngầm reo lên: “Chính ủy đã xuống ngầm” khi thấy Chính uỷ của mình. Ở ngay hiện trường. Giữa những bom đạn ác liệt.

Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, tướng Đồng Sĩ Nguyên, đã từng “ngồi lì” trong một căn hầm sơ sài bên túi bom phà Giang để tận mắt khảo sát quy luật đánh bom đặng tìm ra những phương thức đưa người và vũ khí vào chiến trường.

Sự có mặt của người chỉ huy, bên túi bom, nơi đầu sóng ngọn gió hôm qua hay một vị tướng, như tướng Nguyễn Văn Man, cưỡi cano giữa đêm, một chỉ huy như Đại tá Hùng- băng rừng lội suối cưỡi bão đạp lũ cứu dân hôm nay... thật sự là hình ảnh rất cảm động, rất đẹp về người lính.

Một vị tướng hành quân giữa rừng để đặt sở chỉ huy tiền phương. Một đại tá lội bộ để tới hiện trường. Đó là những vị tướng chiến trường luôn thực địa, không phút giây chần chừ trước sinh mạng người dân, trách nhiệm với đồng đội của mình, dẫu biết phía trước là đầy hiểm nguy, bất trắc.

Trong câu chuyện về Chính uỷ Đặng Tính năm nào có một chi tiết bình dị đầy cảm động:

Sau khi trinh sát ngầm Ba Lòng, Chính uỷ đứng vào đội hình lính công binh chuyển đá lấp hố bom. Chiếc quần dài đã được cởi ra, quàng lên cổ.

Chỉ có người lính mới cảm nhận được sự có mặt của người chỉ huy nơi tiền tuyến.

Tướng Man, Đại tá Hùng hôm qua đã hy sinh, khi cứu dân, trên chiến trường. Cũng như Chính uỷ Đặng Tính cũng hy sinh ngay trên đường Trường Sơn vào ngày 3.4.1973.

Một người lính hy sinh trên chiến trường, đó là một cái chết vô cùng oanh liệt. Luôn là như thế.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nhung-vi-tuong-chien-truong-quan-dai-quang-co-845687.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm