Hơn 100 người đã thiệt mạng chỉ trong một đêm trong vụ nổ xảy ra tại một nhà máy lọc dầu bất hợp pháp ở bang Rivers của Nigeria, các quan chức địa phương cho biết ngày 23/4 (giờ địa phương).
Dầu "lậu" bốc cháy tại Goi-Bodo, một khu vực ở đồng bằng sông Niger. Ảnh Reuters. |
“Vụ cháy bùng phát tại một địa điểm khai thác dầu bất hợp pháp và khiến hơn 100 người bị thiêu rụi đến không thể nhận ra”, Ủy viên phụ trách tài nguyên dầu mỏ bang Rivers, Goodluck Opiah, cho biết.
Vùng đồng bằng sông Niger vốn là nơi sản xuất dầu lớn của Nigeria, tuy vậy, nghèo đói và thất nghiệp đã khiến tình trạng lọc dầu thô bất hợp pháp trở thành “ngành kinh doanh hấp dẫn” nhưng cũng hết sức nguy hiểm. Dầu thô được khai thác từ mạng lưới các đường ống dẫn thuộc sở hữu của các công ty dầu mỏ lớn, được tinh chế thành sản phẩm trong các bồn chứa tạm thời.
Quá trình lọc dầu trộm này ẩn chức nhiều nguy hiểm, từng dẫn đến nhiều vụ tai nạn chết người và làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực từng là vùng đất nông nghiệp màu mỡ.
Trung tâm Vận động Bảo vệ Môi trường và Thanh niên Nigeria cho biết nhiều phương tiện được huy động để chở dầu lọc trộm cũng bị thiêu rụi trong vụ nổ.
Được biết, có hàng chục cơ sở khai thác và kinh doanh dầu bất hợp pháp nằm rải rác khắp miền Nam Nigeria. Nhiều thanh niên thất nghiệp ở nước này cố gắng tự sản xuất dầu để bán kiếm sống mặc dù biết rằng hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Giới chức địa phương cho biết chủ sở hữu nhà máy lọc dầu bất hợp pháp, nơi xảy ra vụ nổ, hiện đã chạy trốn. Cơ quan chức năng đang truy lùng người này để biết được chính xác điều gì đã xảy ra.
Hồi tháng 10 năm ngoái, ít nhất 25 người, bao gồm cả trẻ em, đã thiệt mạng trong một vụ nổ và hỏa hoạn tại một nhà máy lọc dầu bất hợp pháp khác ở bang Rivers.
Tháng 2 vừa qua, chính quyền địa phương khởi động chiến dịch ngăn chặn việc tinh chế dầu thô bất hợp pháp, nhưng không mấy hiệu quả.
Các quan chức chính phủ ước tính rằng Nigeria, nhà sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi, mất trung bình 200.000 thùng dầu mỗi ngày - hơn 10% sản lượng - vì những đường ống bị phá hoại hoặc khai thác trộm.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/no-lon-tai-nha-may-loc-dau-bat-hop-phap-hon-100-nguoi-chet--i651335/
Theo Duy Tiến (Al Jazeera/cand)