Mới vài tuần trước, vụ hỏa hoạn ở Bình Thuận đã cướp đi 4 sinh mạng. Khuya 12-9, lại một vụ hỏa hoạn thảm khốc xảy ra ở một chung cư tại Hà Nội đã làm hàng chục người tử vong.
Điều đáng buồn là những vụ hỏa hoạn như trên đã từng được cảnh báo. Những vấn đề trọng tâm như ý thức người dân, quản lý dân cư, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC)… được lặp đi lặp lại thường xuyên nhưng chưa cải thiện được tình hình. Công tác phòng ngừa và ứng phó vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn và cái giá phải trả là quá lớn.
Theo thống kê được công bố chính thức, trong năm 2022, toàn quốc xảy ra hơn 1.700 vụ cháy, nổ làm chết hơn 100 người. Còn năm trước đó, xảy ra hơn 2.240 vụ cháy, nổ, làm chết 80 người.
Trước tiên phải nói ý thức PCCC của rất nhiều người dân còn quá kém. Đơn giản nhất là hầu như nhà nào cũng có bếp gas nhưng kiến thức sử dụng bếp gas an toàn thì chỉ số ít người hiểu. Hiểu biết về điện cũng tương tự và việc trang bị bình chữa cháy mini cho gia đình thì rất hiếm. Ý thức chỉ được duy trì khi pháp luật trong lĩnh vực này thực thi triệt để và đến một lúc sẽ trở thành thói quen.
Mật độ phát triển đô thị chính là vấn đề nan giải nhất đối với công tác ngăn ngừa hỏa hoạn. Những khu vực nội đô luôn mang nhiều nguy cơ cháy nổ: Đường điện giăng đầy, nhà ở chen chúc, vật liệu dễ cháy… Nguy hiểm hơn là những khu vực này rất khó tổ chức không gian cứu hỏa và thoát hiểm. Rất nhiều loại hình nhà ở phát triển tự phát như chung cư mini, nhà ở tập thể, căn hộ trong nhà ở… không tuân thủ các quy định về PCCC.
Nhưng tất cả những lý do trên không thể biện minh cho công tác quản lý về công tác PCCC còn bất cập. Đơn cử như hệ thống điện cho các tòa nhà và cả hộ dân gần như tự thực hiện mà thiếu sự giám sát, kiểm tra về thiết kế hệ thống, chất liệu, kiểm tra định kỳ… Trong khi theo thống kê của Bộ Công an, nguyên nhân về điện chiếm đến gần 52% các vụ cháy.
Ngay trong ngày 12-9, tại phiên họp Hội đồng Thẩm định đề nghị xây dựng Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Tư pháp tổ chức, đại diện Bộ Công an nêu: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ dần bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung như: Một số quy định của luật còn mang tính nguyên tắc chung chung, chưa có tính khả thi cao hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, công tác đầu tư cho hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế... Những vấn đề trên đã tồn tại quá lâu nên không cho phép tiếp tục kéo dài, bởi hậu quả từ những bất cập này sẽ rất lớn.
Lửa là cội nguồn của văn minh nhưng cũng chính lửa cũng là nỗi ám ảnh thảm khốc của loài người từ ban sơ cho đến hiện đại. Khống chế sức mạnh của lửa, phòng ngừa tai họa là công việc lâu dài, từng ngày. Và cao hơn hết là phải làm tất cả để bảo đảm an toàn về tài sản và tính mạng của người dân.