Nơi ta không thuộc về - phim hậu chiến xinh xắn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Nơi ta không thuộc về” của Điện ảnh Quân đội là phim nhà nước hiếm hoi ra mắt gần đây, vừa dự giải Cánh diều dù không được đầu tư hoành tráng nhưng có cách tiếp cận mới.

 “Nơi ta không thuộc về” là phim hậu chiến tiếp theo của Đặng Thái Huyền
“Nơi ta không thuộc về” là phim hậu chiến tiếp theo của Đặng Thái Huyền



GÓC NHÌN MỚI

Đạo diễn Đặng Thái Huyền từng làm một số phim truyện về đề tài chiến tranh như 13 bến nước, Người trở về chưa kể hàng chục phim tài liệu mà gần nhất là Hành trình hóa giải. Nơi ta không thuộc về là tác phẩm tiếp theo khai thác đề tài hậu chiến.

Có lẽ Đặng Thái Huyền là nữ đạo diễn nên dù có sự dấn thân hay quyết liệt đến đâu nhưng cách chọn đề tài và làm phim của chị thường đứng về phía phụ nữ. Nơi ta không thuộc về theo chân một cô nhà báo quân đội - Đông Hà, lặn lội tới miền đất thâm sơn cùng cốc, cách trở để quyết tìm ra sự thật: Một nhóm nữ thanh niên xung phong trông coi kho đạn năm xưa hi sinh chỉ một người sống sót, tuy nhiên không ai tìm được thi thể của những người nằm xuống.

Bối cảnh chính của phim là một thung vắng bóng người, muốn ra vào chỉ có con đường sông độc đạo cũng là nơi ba cô gái thanh niên xung phong năm xưa mãi mãi không trở về. Người xem dần dần được dẫn dắt vào những ký ức hư hư thực thực. Câu chuyện rõ nét hơn qua những ký ức mơ hồ của nữ thanh niên xung phong thoát khỏi bom đạn nhưng mất đi trí nhớ, cùng với những giấc mơ kỳ lạ của nữ nhân vật chính. Chỉ có điều những giấc mơ này hơi nhiều khiến khán giả thắc mắc, nhưng nếu không khéo xử lý như vậy hẳn phim khó qua vòng “kiểm duyệt” khi nhắc tới đề tài có chút tâm linh này.

Phim vừa hoàn thành kịp tham dự Cánh diều. Buổi ra mắt đầu tiên ở Hà Nội chính là buổi chiếu tại Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương tối 10/4. Xem phim xong nhiều khán giả có tuổi bất ngờ. Ban đầu họ ngỡ phim thuộc thể loại rùng rợn, ly kỳ dành cho giới trẻ, không ngờ là phim về hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ.

Với mục tiêu làm phim tuyên truyền của Điện ảnh Quân đội, Nơi ta không thuộc về không đem lại cảm giác gượng ép, giáo điều cũ kỹ. Bộ phim đánh dấu sự hợp tác trở lại của đạo diễn Đặng Thái Huyền và nhà quay phim Trịnh Quang Tùng sau hai phim cùng đề tài hậu chiến. Có lẽ vì thế, họ có sự đồng điệu để cùng nhau mang tới tác phẩm từ góc nhìn mới mẻ, văn minh của những người làm nghề trẻ và tâm huyết.


 

 “Nơi ta không thuộc về” là phim hậu chiến tiếp theo của Đặng Thái Huyền
“Nơi ta không thuộc về” là phim hậu chiến tiếp theo của Đặng Thái Huyền



NHIỀU ÐIỀU BẤT NGỜ

Khác với một số phim chiến tranh, hậu chiến trước đây được đầu tư kinh phí “khủng”, đạo diễn tự nhận đây là phim xinh xắn. Xây dựng từ nguồn kinh phí sản xuất phim phục vụ công tác tuyên truyền hàng năm theo nhiệm vụ của Điện ảnh Quân đội, số tiền làm phim chỉ nhỉnh hơn phim truyền hình một tập một chút. Nhà nước từng đổ hàng chục tỷ đồng làm phim tuyên truyền về chiến tranh, nhưng hiệu quả lại chưa tỷ lệ thuận với số tiền bỏ ra.

“Kinh phí hạn hẹp nên câu chuyện phim khá xinh xắn, bối cảnh gọn, nhân vật không nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa phim được xây dựng đơn giản, sơ lược. Đoàn làm phim kỳ công chọn lựa bối cảnh chưa đoàn làm phim nào đặt chân đến tại Ninh Bình”, đạo diễn Đặng Thái Huyền nói. Bối cảnh góp phần rất lớn giúp đạo diễn kể câu chuyện hợp lí, níu giữ người xem.

Hình ảnh trên phim hệt ngoài đời, cả thung vắng bóng người cách biệt với thế giới bên ngoài được núi non hiểm trở bao bọc. Nhà quay phim Trịnh Quang Tùng kể, muốn đi tới đó phải di chuyển bằng thuyền, có những đoạn đi ngầm dưới các lòng hang. “Bối cảnh đẹp, hoang sơ, kỳ vĩ rất phù hợp với không khí phim mang tính liêu trai, kỳ bí, hoang dã. Đoàn làm phim đã trải qua gần nửa tháng ở bối cảnh đó với rất nhiều khó khăn, bất lợi về thời tiết như mưa gió, côn trùng độc”, anh kể.

Được biết mời hai diễn viên phía Nam thuộc hàng có cát xê cao như Kim Tuyến, Đức Hải nhưng kinh phí của phim vẫn ở mức thấp là do họ nhận lời vì yêu mến kịch bản, đạo diễn, cũng như đề tài ý nghĩa như Nơi ta không thuộc về. “Đối với các đoàn làm phim, phim nào cũng có những vất vả, khó nhọc riêng nhưng đây có lẽ là bộ phim vất vả nhất, cực nhất trong sự nghiệp của tôi”, đạo diễn nói. Hàng loạt sự cố và bất trắc đoàn gặp phải như trục trặc kỹ thuật, sức khỏe diễn viên giảm sút do mưa thì trắng trời không có chỗ trú ẩn, nắng không có lấy bóng cây che.

Dù cố gắng đảm bảo điều kiện sức khỏe cho diễn viên nhưng nữ diễn viên chính Kim Tuyến có lúc gục ngã vì lao lực, nhưng không bỏ cuộc. Diễn viên Thu Quế bị côn trùng đốt mẩn khắp người, vẫn tiếp tục cố gắng để quay kịp tiến độ. Kim Tuyến cũng gây bất ngờ về sự tiến bộ diễn xuất tự nhiên, nhập vai tốt khác hoàn toàn một số vai diễn điện ảnh trước đây của cô.

 

  TIẾC VÌ CHƯA RA RẠP
   

Nhiều nhà đầu tư muốn hỗ trợ để Điện ảnh Quân đội nhân dân và đạo diễn hoàn thành bộ phim này ở mức độ tốt nhất, công chiếu rộng rãi ở hệ thống rạp chiếu. Phim còn được đưa ra nước ngoài làm hậu kỳ, đầu tư hình ảnh, trang phục rất chỉn chu. “Tuy nhiên, vì một vài lý do đáng tiếc về cơ chế hợp tác chưa có tiền lệ giữa tư nhân và quân đội nên bộ phim vẫn chỉ dừng lại ở việc chiếu phục vụ quân đội. Đây là điều vô cùng đáng tiếc cho công sức và tâm huyết của cả ê kíp”, đạo diễn nói.

  Khác với một số phim chiến tranh, hậu chiến trước đây được đầu tư kinh phí “khủng”, đạo diễn tự nhận đây là phim xinh xắn. Xây dựng từ nguồn kinh phí sản xuất phim phục vụ công tác tuyên truyền hàng năm theo nhiệm vụ của Điện ảnh Quân đội, số tiền làm phim chỉ nhỉnh hơn phim truyền hình một tập một chút.

Nguyên Khánh (TPO)

Có thể bạn quan tâm