Bùng phát trong một khoảng thời gian ngắn, đại dịch Cái chết Đen đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người trong thế kỷ 14, tương đương với 60% toàn bộ dân số châu Âu. Một nhà khoa học hàng đầu cảnh báo rằng nếu Trái Đất tiếp tục nóng lên như hiện nay, đại dịch chết chóc có thể sẽ quay lại ám ảnh nhân loại.
“Cái chết đen”
Khi mà ngành y học chưa phát triển, những người mắc dịch hạch khi ấy đều không qua khỏi. Ảnh: Getty. |
“Cái chết Đen” là một loại bệnh dịch hạch do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra và lây lan thông qua các loài gặm nhấm sinh sống thành từng bầy với số lượng lớn. Một khu vực như vậy được gọi là “ổ dịch”. Dịch bệnh ở người xuất hiện khi những động vật gặm nhấm trong nơi ở của người, thường là chuột đen, bắt đầu nhiễm bệnh.
“Cái chết Đen” lây lan ở châu Âu trong những năm từ 1346 - 1353. Tuy nhiên, cái tên nghe rợn tóc gáy này chỉ xuất hiện vài thế kỷ sau đó. Cái chết Đen (atra mors) trên thực tế là một cụm từ cổ trong tiếng Hy Lạp và được sử dụng trong tiếng Latin cổ điển. Nó vốn được dùng trong thơ ca để biểu thị sự đen tối và sợ hãi liên quan đến cái chết chứ không chỉ riêng một loại bệnh nào. |
Biểu hiện của bệnh là hạch nổi khắp cơ thể. Khi những mạch máu trong các hạch bị vỡ, máu khô lại và biến thành những cục màu đen cản trở sự lưu thông máu. Hiện tượng chảy máu trong cũng xuất hiện ở các cơ quan nội tạng như gan, phổi và dẫn đến tử vong. Bệnh có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp và dịch đường hô hấp.
Vào cao điểm của đại dịch, nhiều người dân đi đường dùng nước hoa để tránh phải ngửi thấy mùi người chết. Bệnh dịch lan tỏa nhanh đến mức xác chết la liệt trên đường trong khi một số người khác chết ở nhà, không một ai biết đến cho tới khi mùi tử thi lan tỏa sang nhà hàng xóm.
Có thể nói, “Cái chết Đen” là đại dịch khủng khiếp đối thế giới và đặc biệt là châu Âu. Ước tính tổng cộng khoảng 200 triệu người thiệt mạng vì dịch bệnh này, trải dài từ châu Âu đến châu Á. Chỉ riêng ở Anh, một nửa dân số không qua khỏi.
Bệnh dịch vẫn lan tỏa cho đến 300 năm sau, bao gồm đại dịch lớn ở London năm 1665, khiến một phần tư dân số thiệt mạng. Dù mang đến sự tàn phá nặng nề, bệnh dịch không thể tồn tại vĩnh viễn.
Có nhiều lý do giải thích cho vấn đề này, ví dụ như sự suy giảm số lượng của các loài gặm nhấm hay đến khi bác sĩ Vladimir Havkin, người Nga gốc Do Thái điều chế thành công vắc-xin phòng bệnh vào thế kỷ 19.
Đại dịch quay lại?
Đại dịch "Cái chết đen" đã tàn phá nặng nề châu Âu, thay đổi hẳn cách sống và văn hóa của lục địa già sau đó. Ảnh: Getty. |
Theo Daily Star Online dẫn lời ông Peter Frankopan – giáo sư chuyên ngành lịch sử thế giới tại trường Đại học Oxford danh tiếng, nóng lên toàn cầu làm băng đá tan chảy sẽ dẫn đến các đại dịch nguy hiểm như “Cái chết đen”.
Cụ thể, ông Frankopan cho rằng, khi các vùng băng vĩnh cửu bị tan chảy, các vi khuẩn, mầm bệnh sẽ được giải phóng ra ngoài môi trường sau hàng ngàn năm bị chôn vùi. Ngoài ra, nhiệt độ toàn cầu tăng cao sẽ tạo ra môi trường lây nhiễm lý tưởng để các vi khuẩn dịch hạch phát triển.
“Vào những năm 1340, một lần tăng nhiệt 1,5 độ C của Trái Đất đã biến giúp một vi khuẩn bé nhỏ trở thành đại dịch Cái chết đen” – giáo sư Frankopan giải thích rằng dịch hạch là đại dịch phát triển nhờ nhiệt độ toàn cầu cuối cùng mà nhân loại đã trải qua.
Theo Daily Star Online, cảnh báo của ông Frankopan được cho là có cơ sở khi trước đó, một loạt các nhà khoa học hàng đầu về khí hậu đã cùng đưa ra tuyên bố rằng con người chỉ còn 12 năm để ngăn không cho nhiệt độ Trái Đất ấm lên quá 1,5 độ C. Trong báo cáo gửi Liên Hợp Quốc, các nhà khoa học này khẳng định nhiệt độ tăng sẽ gây ra lũ lụt, hạn hán, thời tiết cực đoan,…, đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh nghèo đói.
Tiểu Đào (Dân Việt/Theo Daily Stars)