Nữ quyền trong 'Ngày em đến'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày em đến (ảnh) là tác phẩm “tái ngộ” khán giả truyền hình của đạo diễn Đinh Đức Liêm (nổi tiếng với nhiều phim truyền hình đình đám: Đồng tiền xương máu, Giã từ dĩ vãng, Miền đất phúc...) sau thời gian anh tập trung công việc kinh doanh của gia đình.

 


Phim xoay quanh cuộc đấu đá khốc liệt của các thành viên trong một gia đình giàu có (37 tập, đang phát vào 14 giờ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần trên VTV3), thuộc dòng phim xưa - màu sắc được khán giả phía nam yêu chuộng. Đinh Đức Liêm cho biết: “Ngày em đến xuất phát từ kịch bản phim ngắn cũng của biên kịch Phượng Vỹ viết về thời xưa, nhưng cô ấy và công ty sản xuất thấy vẫn còn đất để phát triển nên viết thành kịch bản dài tập, với câu chuyện diễn ra trong khoảng thời gian trước 1975”.

Theo Đinh Đức Liêm, khi làm Ngày em đến (cũng như các phim về thân phận người phụ nữ), anh luôn hướng đến tính nữ quyền, khả năng mạnh mẽ vươn lên, vượt qua nghịch cảnh của người phụ nữ, không chấp nhận sự an phận, nhu nhược trước hoàn cảnh. Trong Ngày em đến, đó là sự phản kháng của Trà (Hạ Anh) khi bị ép hôn, vùng vẫy để được là chính mình. “Nhân vật bà Lành (Lam Tuyền), mẹ Trà, cũng vậy, gần như toàn bộ những lời thoại, hành động phản đối của bà trước việc Trà bị ép gả cho thằng khờ, trước việc phản ứng của bà khi thấy Trà bị áp bức, đày đọa bởi bà Điệp (Thân Thúy Hà) là tôi nhấn nhá thêm thắt cho bà. Bởi tôi muốn cho bà là một người mẹ bình thường, mang tâm lý thực sự của người mẹ thương con; nhưng thấp cổ bé họng thì chỉ có thể làm những việc nhỏ mọn...”, anh nói. Theo anh, “qua rồi thời nghệ thuật tô hồng hoặc bôi đen một chiều; nhân vật càng có tâm lý đa chiều, phức tạp, biến đổi trong từng hoàn cảnh mới thực sự chứng tỏ vốn sống phong phú và khả năng sáng tạo của nghệ sĩ”.

Theo Nguyên Vân (TNO)

Có thể bạn quan tâm