Ông Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, hôm 7-9 đã tiếp tục kéo dài chuỗi tranh cãi chưa hồi kết về quốc gia nào mới là mối đe dọa lớn nhất cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Điểm bỏ phiếu bầu cử Mỹ - Ảnh: Getty |
"Đó chỉ là một phát ngôn phiến diện để lừa phỉnh dân Mỹ" - ông Schiff, một người của Đảng Dân chủ, chỉ trích Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr vì phát ngôn "Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất với bầu cử Mỹ" với Đài CNN mới đây. Trong đó ông Barr nhấn mạnh đã thấy những thông tin tình báo cho thấy Trung Quốc chứ không phải Nga mới là mối đe dọa lớn nhất và đang cố gắng can thiệp bầu cử Mỹ.
Chiến lược bôi nhọ của hai phe
"Ông ta rõ ràng đang nói dối và sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì hoặc nói bất kỳ thứ gì có lợi cho Trump" - hạ nghị sĩ Schiff chỉ trích ông Barr và phe Cộng hòa trên Đài CNN ngày 7-9. Cựu phó tổng thống Biden hôm 4-9 cũng tuyên bố ông không đồng ý rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với cuộc bầu cử và đánh giá như vậy là không đúng với các cuộc họp giao ban tình báo mà ông được biết.
Theo giới phân tích, việc phe Dân chủ và những tờ báo chống ông Trump như CNN khẳng định Nga mới là mối đe dọa lớn nhất là một động thái dễ hiểu và có tính toán. Tổng thống Trump đã bị vấn đề Nga đeo bám từ lúc bước vào Nhà Trắng.
Mặc dù cuộc điều tra của phe Dân chủ cuối cùng chẳng dẫn tới kết luận Nga đã giúp ông Trump thắng cử năm 2016, phía Dân chủ tin rằng đẩy mạnh "thuyết âm mưu Nga can thiệp bầu cử" vào lúc này có thể khiến ông Trump gặp bất lợi.
Ở chiều ngược lại, Tổng thống Trump và phe Cộng hòa cố gắng mô tả ông Biden như một nhân vật mềm dẻo với Trung Quốc, rằng nếu ông Biden thắng cử "dân Mỹ sẽ phải đi học tiếng Trung".
Trung Quốc, Nga, Iran bị nêu tên
Việc ai thắng cử ở Mỹ hiện đang là mối quan tâm của nhiều nước, nhưng theo báo cáo của Trung tâm Phản gián và an ninh quốc gia Mỹ (NCSC) vào tháng trước, Trung Quốc, Nga và Iran là những nước quan tâm nhiều nhất.
Báo New York Times dẫn nguồn từ một số quan chức tình báo Mỹ cho biết trong khi cả Bắc Kinh và Matxcơva đều có ý định can thiệp bầu cử Mỹ, các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga rất khác nhau.
Báo cáo của NCSC chỉ rõ lý do các nước này muốn can thiệp bầu cử Mỹ. Trung Quốc muốn Tổng thống Trump thất cử, Nga tìm cách "bôi nhọ" ứng cử viên Biden và các thành viên khác có quan điểm chống Nga trong lúc thúc đẩy lợi thế cho Tổng thống Trump trên mạng xã hội và truyền hình Nga.
Iran thì cố gắng "phá hoại các thể chế dân chủ của Mỹ" và "gây chia rẽ nước Mỹ bằng các thông tin sai lệch, chống Mỹ trên mạng". Những nỗ lực của Tehran được thúc đẩy một phần bởi niềm tin rằng nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump "sẽ dẫn đến việc Washington tiếp tục gây áp lực lên Iran trong nỗ lực thay đổi chế độ".
Trung Quốc khẳng định trung lập Quan điểm chính thức của Trung Quốc về cuộc cạnh tranh giữa Donald Trump và Joe Biden là không đứng về phe nào. "Chúng tôi không có bình luận gì về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đó là chuyện nội bộ của họ. Các chính trị gia Mỹ đừng tiếp tục nêu vấn đề Trung Quốc trong tranh cử nữa" - người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói ngày 4-9. |
Theo DUY LINH (TTO)