Tin tức

Nước Pháp và thế giới chào đón Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đối với Tổng thống tái đắc cử Emmanuel Macron, năm năm tới sẽ không phải là một nhiệm kỳ dễ dàng khi ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cả về kinh tế, xã hội, đối ngoại và vấn đề môi trường.
 

Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron trong cuộc gặp những người ủng hộ, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2, tại Paris, tối 24/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Đúng 8h tối 24/4 theo giờ địa phương, gương mặt Tổng thống mới của nước Pháp đã chính thức lộ diện. Kết quả không nằm ngoài dự đoán, Tổng thống Emmanuel Macron đã tái đắc cử với tỷ lệ sơ bộ là 58%.

Tuy số phiếu bầu không cao như nhiệm kỳ trước (66%), nhưng điều quan trọng là ông vẫn vượt lên trên ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen để tiếp tục làm chủ điện Elysee trong 5 năm tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Emmanuel Macron, 44 tuổi, đại diện cho đảng Cộng hòa Tiến bước theo xu hướng trung dung, là Tổng thống mãn nhiệm đầu tiên tái đắc cử kể từ sau nhiệm kỳ của cố Tổng thống Jaques Chirac (2002-2007).

Phát biểu trước những người ủng hộ ông dưới chân tháp Eiffel ở thủ đô Paris sau khi có kết quả thăm dò sơ bộ về kết quả bầu cử vòng 2, Tổng thống Macron nói: "Cảm ơn các bạn đã tiếp cho tôi niềm tin để làm nên một nước Pháp độc lập hơn và một châu Âu mạnh mẽ hơn, thông qua việc đầu tư và những thay đổi sâu rộng… đưa nước Pháp trở thành một quốc gia sinh thái tuyệt vời."

Ngoài ra, ông khẳng định: "Tôi không phải là ứng cử viên của một phe phái nào, tôi là Tổng thống của tất cả mọi người."

Ông Macron cũng cam kết sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong nhiệm kỳ 5 năm tới của ông. Cụ thể, ông nói: "Bởi mỗi chúng ta đều có nhiều thứ cần quan tâm hơn là bản thân... Đây là điều khiến người dân Pháp trở thành lực lượng độc nhất mà tôi vô cùng yêu mến. Tôi rất tự hào khi được phục vụ các bạn thêm một lần nữa".

Về phần mình, nhà lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp, bà Marine Le Pen đã thừa nhận thất bại. Tuy nhiên, bà cũng cho biết sẽ tiếp tục cuộc chiến chính trị của mình trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng Sáu tới.

Phát biểu trước những người ủng hộ mình sau khi có kết quả bỏ phiếu, bà nhấn mạnh "Người Pháp vào tối nay đã thể hiện khát khao đối trọng mạnh mẽ với ông Emmanuel Macron, phe đối lập sẽ tiếp tục cùng chiến đấu và bảo vệ họ".

Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu sơ bộ, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel - những đồng minh của ông Macron, là những nhà lãnh đạo đầu tiên chúc mừng Tổng thống Pháp tái đắc cử.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, cùng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác cũng đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Macron sau khi có kết quả bỏ phiếu.

Trên mạng xã hội Twitter, bà der Leyen viết: "Tôi mong muốn chúng ta tiếp tục hợp tác sâu rộng và mang tính xây dựng trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các nước thành viên trong liên minh.”

Ông Michel đã gửi lời chúc mừng tới ông Macron, nhấn mạnh "trong giai đoạn hỗn loạn này, chúng ta cần một châu Âu vững chắc và một nước Pháp hoàn toàn cam kết đối với một Liên minh châu Âu chủ quyền và chiến lược hơn."

Lãnh đạo một số cường quốc châu Âu cũng chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Macron. Trên Twitter, Thủ tướng Anh Boris Johnson viết : "Pháp là một trong những đồng minh thân cận và quan trọng nhất của chúng tôi. Tôi mong muốn tiếp tục hợp tác trong các vấn đề quan trọng nhất giữa hai nước, cũng như các vấn đề của thế giới."

Thủ tướng Italy Mario Draghi tuyên bố chiến thắng của ông Macron là "một tin tức tuyệt vời cho cả châu Âu," còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh các cử tri Pháp đã gửi một cam kết mạnh mẽ tới châu Âu và bày tỏ vui mừng vì hai nước sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác tốt đẹp.

Đối với Tổng thống Emmanuel Macron, niềm vui thật to lớn nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Năm năm tới sẽ không phải là một nhiệm kỳ dễ dàng khi ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Về kinh tế, các dự báo đều cho thấy tăng trưởng của Pháp có nguy cơ bị đe dọa do tác động chiến tranh và dịch bệnh. Dự báo tăng trưởng của Pháp giảm xuống còn 2% thay vì 4%. Đó là chưa kể thâm hụt ngân sách và thương mại gia tăng.

Về xã hội, Tổng thống tái đắc cử sẽ phải có trọng trách hàn gắn rạn nứt ngày càng lớn trong xã hội. Sự phân cách, chênh lệch giữa một bên là thành phần trung lưu, giàu có và bên kia là những người lao động với đồng lương ít ỏi, vốn đã được thể hiện qua khủng hoảng phong trào Áo Vàng cách đây hai năm, giờ đã bị hằn sâu thêm sau hai năm đại dịch COVID-19.

Về đối ngoại, việc tham gia giải quyết cuộc xung đột Ukraina với những tác động từ địa chính trị đến kinh tế, an ninh, quân sự sẽ là thách thức hàng đầu của nguyên thủ Pháp trong thời gian tới.

Và cuối cùng thì môi trường cũng là một hồ sơ lớn mà Tổng thống mới của nước Pháp sẽ phải quan tâm để triển khai kịp thời các biện pháp nhằm hạn chế biến đổi khí hậu và sự ấm lên của Trái Đất.

Theo Thu Hà-Nguyễn Tuyên-Tiến Nhất (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm