Ngày 25.5, Phòng Cảnh sát hình sự thông tin vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và các phòng nghiệp vụ triệt phá đường dây tín dụng đen với mức lãi vay lên đến 2.190%/năm.
Các đối tượng trong đường dây tín dụng đen cho vay lãi nặng. Ảnh: T.An |
Khó có thể tưởng tượng được trên đời lại có lãi suất với mức 2.190%/năm, đây không còn là cho vay nặng hay nhẹ lãi, mà là một loại trấn lột, cưỡng đoạt tài sản qua hình thức cho vay.
Nói cưỡng đoạt là không quá lời, theo Thượng tá Đặng Việt Quảng - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội - thông tin, nhiều trường hợp khách hàng đã chi trả cả tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, các đối tượng lại tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản, ép khách phải vay…
Cơ quan công an đã làm rõ đối tượng điều hành chính hệ thống cho vay, đòi nợ tại Việt Nam là Nguyễn Quang Vũ (35 tuổi, trú tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội). Đối tượng quản lý hệ thống đòi nợ tại Việt Nam là Zhang Min (Mẫn), 36 tuổi, quốc tịch Trung Quốc. Mẫn chịu trách nhiệm quản lý, đốc thúc các trưởng bộ phận đòi nợ của khách hàng.
Có gần 300 đối tượng liên quan đến vụ án đã bị đưa về trụ sở cơ quan công an để phân loại điều tra, làm rõ. Số lượng khách hàng vay qua hệ thống 3 app trên khoảng gần 1 triệu người. Mỗi tháng, số tiền các đối tượng giải ngân cho vay khoảng 100 tỉ đồng.
Với mức lãi suất cắt cổ, số tiền mà băng nhóm này thu về là con số khủng. Và đương nhiên, có biết bao nhiêu gia đình khổ sở, bao nhiêu số phận rơi vào cảnh bi đát bần cùng khi trở thành con nợ của chúng.
Lực lượng đòi nợ là giang hồ cộm cán, không thủ đoạn nào chúng không làm để đòi nợ, từ khủng bố qua điện thoại, tấn công vào nhà bằng chất bẩn và sơn.
Nhưng không chỉ đối với người là con nợ, ngay cả với những người không vay tiền, cũng trở thành nạn nhân của băng nhóm này. Họ bị tung ảnh lên mạng Internet để khủng bố tinh thần, ép buộc những người này trả tiền hoặc giục con nợ của chúng trả tiền.
Tất cả các thủ đoạn này không mới, phương thức hoạt động của các băng nhóm này cũng không mới, nhưng tại sao người dân vẫn cứ sập bẫy?
Đó là do việc tuyên truyền chưa tốt, nhiều người không biết rõ sự nguy hiểm khi rơi vào bẫy tín dụng đen.
Đó là do chưa có nhiều kênh cho vay để người nghèo tiếp cận được nguồn vốn. Có được nguồn cung từ các nguồn vay chính thức, không chịu lãi suất cao, thì người nghèo không đi vay tín dụng đen.
Nhưng để cứu người nghèo, thì tuyên truyền chưa đủ, mà phải triển khai tấn công truy quét hết các đường dây cho vay nặng lãi trên phạm vi toàn quốc. Phải xác định đây là nhiệm vụ, là trách nhiệm của chính quyền, của công an đối với dân.
Chính quyền, công an phải sử dụng sức mạnh của mình để bảo vệ dân.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)