Ngày 25-1, ông Suthep Thaugsuban cam kết, phe biểu tình sẽ không cản trở việc bỏ phiếu sớm vào ngày 26-1 cho cuộc tổng tuyển cử vào tuần tới. Nhưng đổi lại, ông Suthep và những người biểu tình sẽ tiếp tục gây rối ở bên ngoài 50 điểm bỏ phiếu ở Bangkok.
Lãnh đạo phe biểu tình tuyên bố sẽ không cản trở việc bầu cử. |
Bangkok Post dẫn lời ông Suthep cho biết: “Chúng tôi sẽ thuyết phục tất cả mọi người ở phía trước khu vực bỏ phiếu để cùng nhau cải cách thay vì thực hiện việc bỏ phiếu của họ”.
Ủy ban bầu cử cho hay, hơn 2 triệu người đã đăng ký đi bỏ phiếu sớm. Những người đủ điều kiện bỏ phiếu sớm bao gồm sinh viên và công nhân nhập cư không thể trở về nhà vào ngày bầu cử.
Cuộc đại biểu tình ở Thái Lan bắt đầu từ năm 2013 bùng phát thành bạo lực khiến ít nhất 9 người thiệt mạng. Hai phe đối lập (phe ủng hộ Chính phủ và phe biểu tình) đều đổ lỗi cho nhau.
Ngày 21-1, Chính phủ Thái Lan ban bố Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trên nhiều tỉnh, thành phố Thái Lan nhằm giảm bớt ảnh hưởng của cuộc biểu tình.
Tòa án Hiến pháp ra phán quyết cuộc tổng tuyển cử dự kiến ngày 2-2 có thể được hoãn lại một cách hợp pháp - nhưng phải có sự đồng ý của Ủy ban bầu cử và Thủ tướng. Ủy ban Bầu cử và Đảng Dân chủ đã kêu gọi Chính phủ Thái Lan trì hoãn việc bầu cử vì tình trạng bất ổn hiện nay.
Dẫu vậy, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra vẫn khẳng định cuộc bầu cử sẽ tiếp tục tiến hành theo đúng kế hoạch.
Được biết, hiện bà Yingluck đang bị cơ quan chống tham nhũng của Thái Lan điều tra vì có liên quan tới một chương trình hỗ trợ gạo của Chính phủ gây nhiều tranh cãi. Vụ việc này có thể buộc bà Yingluck phải từ chức.
Theo VOV