Philippines cho rằng, yêu sách phi lý của Trung Quốc xem Biển Đông là một phần lãnh thổ trong lịch sử của nước này là "sự lừa dối nhân loại".
Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn tuyên bố của Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio ngày 25/8 cho biết, yêu sách phi lý của Trung Quốc xem Biển Đông là một phần lãnh thổ trong lịch sử của nước này là “tin giả của thế kỷ và sự lừa dối khủng khiếp đối với nhân loại”, đồng thời khẳng định yêu sách này sẽ không bao giờ được thông qua.
Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio. Ảnh: Philippines Star. |
Bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc
Ông Antonio Carpio cũng kêu gọi người dân Philippines và người dân tại những quốc gia khác ở Đông Nam Á truyền bá sự thật và vạch trần những thông tin sai lệch, giả tạo của Trung Quốc về Biển Đông. Trong bài phát biểu tại Đại học Ateneo de Davao vào ngày 23/8, ông Antonio Carpio nhấn mạnh: “Chúng ta không thể hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ nói với người dân của họ đó là lịch sử giả mạo. Chúng ta phải tự mình thực hiện điều này và chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian. Chúng ta phải giáo dục chính chúng ta và mọi người dân trên thế giới để từ đó chung tay thuyết phục người dân Trung Quốc rằng đó là lịch sử giả tạo và họ phải từ bỏ”.
Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines lưu ý, Trung Quốc khẳng định họ đã thiết lập sự hiện diện ở Biển Đông cách đây 2.000 năm, trước cả thời điểm các quốc gia khác đưa ra tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này. Nhưng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, mà Trung Quốc là bên tham gia, tất cả các quyền lịch sử đều không có giá trị. Người dân Trung Quốc đã được tuyên truyền một câu chuyện khác do chính phủ của họ dựng nên, do vậy họ coi việc xâm phạm vùng lãnh hải của quốc gia khác như một hành động thực thi quyền lịch sử, ông Antonio Carpio nhấn mạnh.
Trích dẫn dữ liệu từ các bản đồ cổ và nghiên cứu của học giả cùng các chuyên gia Trung Quốc, ông Antonio Carpio chỉ ra rằng, lãnh thổ Trung Quốc dưới thời nhà Thanh chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam. Giai đoạn nhà Thanh cai trị (1944 đến 1912) là thời kỳ mà Trung Quốc chứng kiến sự mở rộng lãnh thổ lớn nhất của nước này.
Các bản đồ của Trung Quốc mà ông Carpio đưa ra nằm trong số 170 bản đồ mà Philippines trình lên Tòa trọng tài quốc tế để kiện yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, chồng lấn lên vùng lãnh hải của Philippines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Brunei.
Vào ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông và tuyên bố khẳng định các quyền của Philippines với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối tham gia quá trình phân xử và tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa trọng tài. Tờ Philstar ngày 26/8 cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa lên tiếng khẳng định lập trường của Bắc Kinh đối với phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 sẽ “không thay đổi dù chỉ là một chút”. "Thực tế đã chứng minh nếu chúng ta xử lý vấn đề này theo cách đúng đắn, nó sẽ tốt cho hòa bình và ổn định khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte (28/8 đến 1/9).
Trích dẫn các tài liệu chính thức, ông Carpio cho biết, sự thật là Trung Quốc chỉ bắt đầu đưa ra yêu sách đối với vùng Biển ngoài phạm vi đảo Hải Nam vào năm 1932. Ông cũng bác bỏ tuyên bố của các quan chức Trung Quốc trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình rằng nhà hàng hải nổi tiếng của Trung Quốc – đô đốc Trịnh Hòa đã thăm Philippines 600 năm về trước. Tuyên bố này đã được một học giả Trung Quốc chứng minh là sai sự thật. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thuyết phục người dân nước này về “một câu chuyện giả” rằng họ sở hữu tới 85% Biển Đông, ông Carpio lưu ý.
“Đó là câu chuyện lịch sử mà Trung Quốc dạy cho mọi công dân của nước này từ trường phổ thông cho đến đại học vì thế mà mọi tầng lớp, từ các nhà chính trị, nhà ngoại giao, tướng lĩnh quân đội, giáo viên, học sinh đều thuộc lòng. Họ rất tin câu chuyện này. Bạn không thể thay đổi được suy nghĩ của họ. Nhưng rõ ràng đây là điều hoàn toàn sai lầm. Tôi gọi câu chuyện của Trung Quốc là lịch sử giả của thiên niên kỷ, tin giả của thế kỷ. Đó là sự lừa dối khủng khiếp đối với nhân loại”.
Ông Carpio nhấn mạnh rằng, người Philippines phải tự giáo dục chính bản thân mình hiểu biết về sự thật đó, bởi có một số học giả Philippines ban đầu cũng tin tưởng vào câu chuyện của Trung Quốc mà ông cho là “thông tin giả nghiêm trọng nhất” một quốc gia từng đưa ra kể từ sau Thế chiến thứ 2.
Philippines giữ lập trường cứng rắn
Trước những tuyên bố sai trái của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Philippines cho biết ông sẽ vẫn nêu vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình khi đến thăm Trung Quốc dù rằng trước đó nhà lãnh đạo Philippines ám chỉ Bắc Kinh ngăn không để ông mang vấn đề này ra thảo luận.
Phát biểu với tờ Philippine Daily Inquirer ngày 26/8, người phát ngôn của Tổng thống, ông Salvador Panelo cho biết, đây sẽ là chuyến thăm lần thứ 5 của Tổng thống Duterte tới Trung Quốc và giờ là thời điểm phù hợp để đề cập phán quyết của Tòa trọng tài với phía Trung Quốc vì ông Duterte đã trải qua nửa nhiệm kỳ. “Tổng thống nói rằng dù họ (Trung Quốc) có muốn nghe hay không, ông sẽ vẫn đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế”. Ông Panelo hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thay đổi lập trường về vấn đề Biển Đông sau khi lắng nghe Tổng thống Duterte.
Trước đó, nhà lãnh đạo Philippines khẳng định ông sẽ không gây chiến với Trung Quốc nhưng một mực khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài cần phải được thảo luận trong chuyến đi này. “Các ngài thường nói rằng không ai muốn xảy ra chiến tranh. Chúng tôi không muốn gặp rắc rối, hãy để chúng tôi giải quyết tranh cãi này một cách hòa bình”.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte diễn ra trong bối cảnh chính phủ Philippines gần đây bày tỏ lập trường cứng rắn, yêu cầu Bắc Kinh thực thi phán quyết của tòa trọng tài và cảnh báo hậu quả đối với các tàu nước ngoài xâm phạm vùng lãnh hải của Philippines. Chuyên gia Collin Koh, tại Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, thuộc trường Đại học kỹ thuật Singapore nhận xét: “Với Tổng thống Duterte, khi đang phải đối mặt với sức ép từ trong nước vì những diễn biến xảy ra gần đây trên Biển Đông, chuyến đi này sẽ là dịp quan trọng để chứng minh rằng ông ấy đang bảo vệ chủ quyền của Philippines tại Biển Đông, nhằm xoa dịu những lời chỉ trích. Có thể các bên sẽ đồng thuận một chừng mực nào đó, hoặc có thể không”.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, tờ Philippine Daily Inquirer hôm 26/8 cho biết, Philippines sẽ lần đầu tiên điều tàu chiến tham gia cuộc tập trận hàng hải chung giữa ASEAN và Mỹ tại vùng Vịnh Thái Lan vào đầu tháng 9. Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok cho biết, cuộc tập trận sẽ được khởi động tại căn cứ hải quân Thái Lan ở tỉnh Chonburi, phía Đông thủ đô Bangkok vào ngày 2/9 tới.
Mục đích của cuộc tập trận 5 ngày là “duy trì an ninh hàng hải, tập trung ngăn chặn và xử lý những hành vi sai trái trên Biển”. Bên cạnh đó, cuộc tập trận tập trung vào khả năng tương tác, giải quyết những lo ngại về an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa”. Phó Đô đốc Hải quân Philippines, ông Robert Empedrad cho biết nước này sẽ điều tàu chiến lớp Del Pilar tới tham gia tập trận.
Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)
Theo Philippine Daily Inquirer