Theo những thông tin vừa được cập nhật, đám cháy đã làm sập phần mái tòa nhà, tuy vậy, lực lượng cứu hỏa đã kịp thời ứng cứu để giữ nguyên được phần tháp chuông chính và phần tường phía bên ngoài nhà thờ. Trong khi dập lửa, lực lượng cứu hỏa đã cố bảo toàn các di tích tôn giáo và những hình họa vô giá trong nhà thờ.
Phần tháp chuông chính và tường nhà thờ được bảo toàn |
Đám cháy bùng phát lúc 18 giờ 50 ngày 15-4 (giờ địa phương - tức 23 giờ 50 ngày 15-4 theo giờ Việt Nam) ở phần đỉnh ngọn tháp Nhà thờ Đức Bà Paris, sau đó nhanh chóng lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ và đã cháy liên tục trong 8 giờ trước khi ngọn lửa được khống chế hoàn toàn.
Theo những thông tin vừa được cập nhật, đám cháy đã làm sập phần mái tòa nhà, tuy vậy, lực lượng cứu hỏa đã kịp thời ứng cứu để giữ nguyên được phần tháp chuông chính và phần tường phía bên ngoài nhà thờ. Trong khi dập lửa, lực lượng cứu hỏa đã cố bảo toàn các di tích tôn giáo và những hình họa vô giá trong nhà thờ.
Tại hiện trường, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cũng cho biết một số tác phẩm nghệ thuật bên trong nhà thờ đã được bảo toàn và được đưa đi cất giữ ở một nơi an toàn.
Trong khi đó, một lính cứu hỏa đã bị thương nặng trong quá trình dập lửa và đây cũng là trường hợp duy nhất bị thương trong nỗ lực cứu hỏa.
Lực lượng cứu hỏa tại hiện trường. Ảnh: Getty Images |
Lực lượng cứu hỏa tại hiện trường |
Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ cháy. Chỉ biết rằng ngọn lửa bùng phát từ phần mái và sau đó lan nhanh ra khắp mái nhà thờ. Các nhà điều tra cũng đang tìm hiểu có phải ngọn lửa xuất phát từ khu vực trùng tu đang được tiến hành trên mái nhà thờ hay không.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng do cấu trúc khu quần thể này đã hơn 850 năm tuổi, với các khối gỗ nặng và một không gian cao vút, lại thiếu hệ thống phòng cháy chuyên nghiệp nên lực lượng cứu hỏa có rất ít lựa chọn một khi ngọn lửa đã vượt tầm kiểm soát.
Giáo sư khoa học Glenn Corbett, từ Đại học John Jay, cho rằng thông thường trong hoàn cảnh như vậy không có nhiều lựa chọn.
Bên trong nhà thờ sau vụ cháy |
Cựu chỉ huy lực lượng cứu hỏa Mỹ G. Keith Bryant cho rằng chính những đặc điểm thiết kế tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn của công trình này như niên đại hàng trăm năm, kích thước lớn và lối kiến trúc Gothic với những bức tường tam điểm và những rầm đỡ bằng gỗ khối lớn lại là "góc chết" cản trở những nỗ lực cứu hỏa.
Vị cựu Chủ tịch Hiệp hội các Chỉ huy lực lượng cứu hỏa quốc tế này cho rằng với một tòa nhà như vậy, lính cứu hỏa gần như không thể dập tắt đám cháy từ bên trong. Thay vào đó, họ cần dùng các biện pháp "phòng thủ" nhiều hơn và cố gắng kiểm soát đám cháy từ phía ngoài. Khi ngọn lửa đã bùng cháy tới qui mô như vụ cháy ở Nhà thờ Đức Bà, thì việc phun nước để khống chế là rất khó kể cả khi có sông Seine ngay bên cạnh.
Ông này cũng cho biết ở châu Âu, các loại thang cứu hỏa cỡ lớn không thông dụng như ở Mỹ vì đặc điểm các đường phố hẹp hơn và khó để cho các xe thang cứu hỏa cỡ lớn di chuyển.
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập lửa |
Tổng thống Mỹ Doanld Trump cũng gợi ý sử dụng các máy bay cứu hỏa cỡ lớn để đổ nước từ trên cao xuống nhưng lực lượng cứu hỏa Pháp thì cho rằng việc làm đó sẽ là "lợi bất cập hại" và hoàn toàn có thể khiến toàn bộ khối cấu trúc này đổ sập.
Hiện vẫn chưa rõ quy mô thiệt hại cụ thể bên trong nhà thờ.
|
NGUYÊN KHANG (sggp)