Thời sự - Bình luận

Quà mừng cưới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Câu chuyện đôi bạn trẻ đăng thông tin mời cưới trên mạng xã hội, kèm theo số tài khoản ngân hàng, thiệp cưới in mã quét QR để khách mời chuyển khoản mừng cưới đang gây nhiều ý kiến trái chiều trên không gian mạng.

Nhiều người cho rằng việc in mã QR hay số tài khoản ngân hàng của cô dâu chú rể trên thiệp mời là cách để khách mời chủ động hơn trong việc mừng cưới, thay vì phải mang theo phong bì.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng việc này là thiếu tế nhị, hơi phản cảm vì giống như "đòi quà". Chuyện mừng cưới đã trở thành tập tục của người Việt từ lâu nay. Thực tế, tục lệ này đang trở thành gánh nặng cho nhiều người, nhất là với những người có mối quan hệ xã hội rộng, người lớn tuổi, người có thu nhập trung bình và thấp, liên tục "bị" mời dự đám cưới. Những năm gần đây, ở nhiều địa phương, đám cưới đang có xu hướng linh đình, xa hoa hơn khi lượng khách mời ngày càng nhiều, có những đám cưới mời hàng ngàn người dự...

Ở một số địa phương ven biển thuộc H.Diễn Châu (Nghệ An), từ hàng chục năm qua, các đám cưới được tổ chức khá gọn nhẹ và gia đình không nhận quà mừng cưới của khách mời. Tập tục rất đẹp này rất tiếc lại không được nhân rộng và phổ biến ở những nơi khác.

Hơn 20 năm trước, phong trào đám cưới "đời sống mới" do Bộ VH-TT lúc đó phát động đã được triển khai ở một số địa phương. Cách tổ chức đám cưới này khá giản dị khi mời ít khách, chỉ tổ chức tiệc ngọt, gia đình hai bên tổ chức tiệc mặn nội bộ. Đám cưới "đời sống mới" này được đánh giá là văn minh, phù hợp với điều kiện của nước ta. Thế nhưng nó chỉ dấy thành một phong trào và duy trì thời gian ngắn rồi tắt lịm.

Đám cưới "theo nếp sống mới" cũng đã được các tổ chức Đoàn, Hội ở một số địa phương thực hiện trong những năm qua, như một cách đổi mới theo xu hướng đám cưới văn minh, tiết kiệm. Tuy nhiên, nó cũng chỉ duy trì ở những địa phương có tổ chức Đoàn, Hội mạnh đứng ra hỗ trợ khâu tổ chức. Tập tục đám cưới linh đình và nặng nề về phong bì đã thành nếp, rất khó rũ bỏ. Để làm thay đổi nhận thức của người dân cần phải có chỉ thị và sự giám sát của chính quyền để hướng đến mô hình đám cưới văn minh, tiết kiệm chứ không thể trông chờ ở sự tự nguyện, phong trào.

Có thể bạn quan tâm