Tin tức

Rò rỉ kế hoạch Mỹ không kích Iran

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục bày tỏ lo ngại trước kế hoạch của Mỹ triển khai thêm 1.000 binh sĩ tới Trung Đông, gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ tấn công hai tàu chở dầu.
 
Mỹ triển khai thêm quân tới Trung Đông với lý do để đối phó trước mối đe dọa Iran. Ảnh: US Marine Corps
Báo Israel Maariv dẫn lời một quan chức phương Tây tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ) đưa tin Nhà Trắng đang chuẩn bị triển khai một cuộc tấn công chiến thuật “lớn” nhằm vào mục tiêu Iran.
“Chiến dịch ném bom tuy lớn song sẽ giới hạn nhằm vào một mục tiêu cụ thể”, nguồn tin giấu tên không tiết lộ chính xác loại mục tiêu nào nằm trong tầm ngắm của quân đội Mỹ.
Trong một bài viết đưa tin về kế hoạch trên, báo Jerusalem Post ám chỉ cuộc tấn công có thể nhắm vào một cơ sở có liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Theo nguồn tin của báo Maariv, Nhà Trắng đã thảo luận phương án hành động quân sự đối phó với Iran. Bản thân Tổng thống Donald Trump không hào hứng với kế hoạch này, song nhà lãnh đạo Mỹ “đã cạn kiên nhẫn” và cho phép Ngoại trưởng Mike Pompeo – người có quan điểm và tuyên bố mang tính “diều hâu” hơn đối với vấn đề Iran – đẩy mạnh chính sách mà quan chức này mong muốn.
Các cuộc thảo luận cấp cao về phương án hành động quân sự có sự tham gia của nhiều chỉ huy cấp cao, quan chức Lầu Năm Góc và cố vấn của Tổng thống.
Trước đó, vào ngày 16/6, Ngoại trưởng Pompeo cảnh báo nước này "đang cân nhắc mọi lựa chọn" trong bối cảnh quan hệ với Iran gia tăng căng thẳng, trong đó có cả những lựa chọn quân sự. Trả lời phỏng vấn trong chương trình Face the Nation của kênh CBS, Ngoại trưởng Pompeo nói: "Mỹ đang cân nhắc mọi lựa chọn. Chúng tôi đã báo cáo Tổng thống Trump vài lần và chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tình hình cho ông ấy." Quan chức ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington có thể triển khai một loạt hành động nhằm khôi phục khả năng răn đe, trong đó bao gồm cả một phản ứng quân sự.
Tuần trước, sau các cuộc tấn công phá hoại rõ ràng nhằm vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman, Ngoại trưởng Pompeo gần như ngay lập tức đổ lỗi cho Iran về các cuộc tấn công. Tehran đã bác bỏ các cáo buộc của ông Pompeo. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng phía Mỹ tuyên bố "không có bằng chứng thực tế" và cáo buộc các quan chức chính quyền Tổng thống Trump và các đồng minh vùng Vịnh tham gia "ngoại giao phá hoại" để "che đậy kế hoạch khủng bố kinh tế nhằm vào Iran”.
Ngày 14/6, phiên bản tường thuật của chủ tịch công ty Nhật Bản điều hành một trong hai tàu chở dầu bị tấn công đã thách thức lời tố cáo của Mỹ, khẳng định thủy thủ đoàn của tàu đã nhìn thấy một vật thể bay về phía họ trước khi vụ nổ xảy ra. Nhận xét của quan chức này mâu thuẫn với cáo buộc của Mỹ về lực lượng quân đội Iran sử dụng mìn gắn trên tàu để thực hiện các cuộc tấn công.
Một vài quốc gia đồng minh với Mỹ, trong đó gồm Đức, Pháp và Nhật Bản, đều bày tỏ thái độ nghi ngờ trước những tuyên bố của Mỹ liên quan đến vụ tấn công tàu chở dầu.
Ngày 18/6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo quyết định triển khai thêm 1.000 binh sĩ tới Trung Đông của Mỹ đe dọa mở ra một “chiếc hộp Pandora”. Trong khi đó, Moskva cho rằng chính sách "gây sức ép chính trị, tâm lý, kinh tế và quân sự" của Mỹ đối với Iran "là khá khiêu khích” và tìm cách “kích động chiến tranh”.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ bắt đầu leo thang từ tháng 5/2018, khi Mỹ đơn phương rút khỏi chương trình hạt nhân Iran và khôi phục các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Tehran. Tháng trước, Iran tuyên bố sẽ rút khỏi một số cam kết tự nguyện theo thỏa thuận hạt nhân. Tehran khẳng định họ không tìm cách theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Hồng Hạnh (Báo Tin tức)

Có thể bạn quan tâm