Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Sáng kiến nâng cao hiệu quả khai thác mủ cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhận thấy những bất cập trong việc dẫn mủ bằng 2 dây kẽm ở chế độ cạo 2-1/4 mà Nông trường Thanh Bình (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) đang áp dụng, chị Đinh Thị Nga-Đội trưởng Đội 6 và chị Nguyễn Thị Tuyết-cán bộ kỹ thuật Đội 6 đã sáng tạo chiếc máng dẫn mủ mới giúp công nhân tiết kiệm thời gian và tận thu lượng mủ.
Chị Đinh Thị Nga (bìa phải) giới thiệu với công nhân về sáng kiến máng dẫn mủ. Ảnh: H.Đ.T
Chị Đinh Thị Nga (bìa phải) giới thiệu với công nhân về sáng kiến máng dẫn mủ. Ảnh: H.Đ.T
Những năm trước đây, Nông trường Thanh Bình đã triển khai áp dụng đại trà dây dẫn mủ bằng kẽm cho vườn cây khai thác ở chế độ cạo 2-1/4. Nhiều người cho rằng, đây là giải pháp tối ưu để mủ cao su không bị rơi vãi, chảy lan, gây thất thoát. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế tại vườn cây, chị Đinh Thị Nga và chị Nguyễn Thị Tuyết đã nhận thấy nhiều bất cập khi áp dụng giải pháp này. Cụ thể, quá trình theo dõi công nhân khai thác mủ, chị Nga thấy họ vẫn mất nhiều thời gian khi cạo, phải thực hiện thao tác vệ sinh sạch dây dẫn thì mủ mới chảy vào chén, chi phí cho một phần cây còn khá cao. Đặc biệt, với giải pháp này, công nhân phải đóng đinh vào cây cao su, dẫn đến thối thân cây, làm giảm chất lượng gỗ khi đến giai đoạn thu hoạch.
Chị Nga chia sẻ: “Trong thực tế sản xuất, công nhân phải vuốt dây dẫn hoặc dùng bàn chải đánh răng để vệ sinh dây dẫn mủ sau khi cạo. Nếu vệ sinh dây dẫn không kỹ, mủ vẫn bị chảy lan ra ngoài chén. Vào đầu mùa khai thác, công nhân phải mất 4 ngày mới trang bị xong dây dẫn và tốn từ 800 ngàn đồng đến 900 ngàn đồng/phần cây. Điều này rất mất thời gian và đội chi phí sản xuất lên cao. Để giúp công nhân thao tác đơn giản hơn nhưng vẫn hiệu quả, cán bộ kỹ thuật Nguyễn Thị Tuyết đã đưa ra sáng kiến thay dây dẫn mủ bằng máng dẫn mủ tận dụng từ màng che chén đã bỏ”.
Thấy sáng kiến này giúp giảm được nhiều chi phí, chị Nga và chị Tuyết đã đề xuất lãnh đạo Nông trường Thanh Bình cho làm thí điểm trên một phần diện tích vườn cây. Qua 1 tháng thử nghiệm, các chị đã chứng minh được tính ưu việt của giải pháp này so với giải pháp dùng dây dẫn mủ trước đó. Với sáng kiến này, công nhân có thể lấy được trọn vẹn lượng mủ khai thác kể cả trong những ngày mưa. Mặt khác, chi phí làm máng dẫn mủ cũng thấp hơn so với làm dây dẫn mủ, chỉ tốn khoảng 15.000 đồng/phần cây, thời gian trang bị cho một phần cây cũng chỉ mất 2 ngày, thời gian cạo rút ngắn được 1,5 giờ, đồng thời có thể tận dụng những màng che chén đã bỏ để làm máng dẫn.
Dù sáng kiến này mới chỉ áp dụng đối với vườn cây cạo thấp và áp dụng cho chế độ cạo 2-1/4 nhưng chị Tuyết cho rằng: “Mỗi mặt cạo chế độ 2-1/4 có thể khai thác được 4 năm, sau đó chuyển mặt cạo khác vẫn áp dụng được 4 năm nữa. Như vậy, sáng kiến này có thể áp dụng được 8 năm trên miệng cạo 2-1/4, đồng thời giúp giảm chi phí và thời gian cạo của công nhân”. Cũng theo chị Tuyết, vừa qua, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông Võ Toàn Thắng đã đến xem vườn cây của đơn vị và đánh giá giải pháp sử dụng máng dẫn mủ là có hiệu quả. Tổng Giám đốc Công ty đã đồng ý để triển khai giải pháp này trên tất cả 164 ha cao su đang cạo ở chế độ cạo 2-1/4 của Đội 6.
Ông Lưu Văn Phiên-Giám đốc Nông trường Thanh Bình-cho biết: “Tôi đánh giá rất cao sáng kiến này. Từ thành công ở Nông trường Thanh Bình, hy vọng sáng kiến này sẽ được áp dụng trên toàn Công ty. Với việc có nhiều diện tích cao su lâu năm, sáng kiến này sẽ giúp Công ty tăng sản lượng mủ và giảm được giá thành sản phẩm”.
Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm