Thời sự - Bình luận

Sáng lên trong khó khăn!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một tin vui đã tạo được cảm hứng đặc biệt suốt mấy ngày qua trên không gian mạng. Đó là việc các bác sĩ (BS) tuyến đầu ở TP HCM sáng chế thành công hệ thống cung cấp ôxy cùng lúc cho nhiều bệnh nhân.

Phát kiến trên của các BS ở Bệnh viện (BV) Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 6 (TP Thủ Đức). Đây là một trong những BV mới được thành lập đầu tháng 7-2021 để giải quyết tình trạng quá tải của hệ thống y tế trong thu dung bệnh nhân Covid-19, sau đó được chuyển đổi thành nơi tiếp nhận người bệnh có triệu chứng trung bình/nặng, có hoặc không có bệnh lý nền hoặc các trường hợp có triệu chứng chuyển nặng từ các khu cách ly tập trung F0 quận, huyện.

Một trong những khó khăn nhất liên quan đến kết quả điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng là BV này đang thiếu đồng hồ để kiểm tra áp suất khí ôxy trong bình và điều chỉnh lượng ôxy bệnh nhân cần sử dụng. Chưa kể, cứ mỗi bình ôxy gắn một đồng hồ và sử dụng cho một bệnh nhân như lâu nay thì diện tích trong phòng điều trị bị chiếm rất nhiều, cùng với thiếu nhân lực chuyển bình ôxy...

Từ BV Chợ Rẫy tăng cường cho BV Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 6 từ ngày đầu thành lập, BS Phan Trung Hiếu rất rõ tình thế kể trên. Sau rất nhiều trăn trở khi phải chứng kiến tính mạng các bệnh nhân bị đe dọa, anh đã nảy sáng kiến tạo ra hệ thống cung cấp ôxy cùng lúc cho nhiều bệnh nhân.

Ai đã từng nuôi cá cảnh sẽ dễ hiểu cách thức một đồng hồ ôxy nối cùng lúc 5-10 dây để dẫn khí tới từng hồ chứa cá. Sáng kiến của BS Phan Trung Hiếu cũng đơn giản như vậy để giải quyết yêu cầu một bình ôxy sử dụng cùng lúc cho 6-10 bệnh nhân, rất dễ làm và giá thành lại rất rẻ.

Một chuyện tương tự cũng diễn ra ở Khoa Hồi sức tích cực của Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc BV Quân y 175.

Đêm 8-8, một nữ bệnh nhân Covid-19 mang thai 33 tuần, từ BV Từ Dũ chuyển đến trong tình trạng suy hô hấp nguy kịch, buộc phải thực hiện kỹ thuật ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Tuy nhiên, lúc này trung tâm chỉ có 2 máy và đã có 2 bệnh nhân đang sử dụng. Trước tình cảnh này, qua tham vấn khẩn với các chuyên gia về trang bị y tế, kíp trực đã quyết định thực hiện kỹ thuật ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể cho bệnh nhân thứ 2 sử dụng cùng một máy ECMO với bệnh nhân trước đó - điều mà xưa nay họ chưa từng nghĩ sẽ làm thế bao giờ.

Giữa lúc "dầu sôi lửa bỏng" thế này thì chúng ta chưa có điều kiện để thống kê bao nhiêu bệnh nhân Covid-19 trong cơn "thập tử nhất sinh" đã nhờ vào các sáng kiến kể trên để thoát bàn tay tử thần nhưng điều chắc chắn là rất nhiều người đã được hưởng may mắn này. Dĩ nhiên, những gì thu được khác nữa là các phòng điều trị được thông thoáng hơn do ít bị bình ôxy hay máy ECMO chiếm chỗ, giảm nhẹ khâu thiếu nhân lực vận chuyển...

Hai câu chuyện xảy ra ở 2 BV tuyến đầu cho chúng ta thấy một phần những khó khăn trong công tác điều trị hiện nay. Chính từ đó đã sáng lên tinh thần vượt qua mọi khó khăn của đội ngũ thầy thuốc, để tìm tòi và sáng tạo những phương pháp tốt nhất điều trị cho bệnh nhân.

"Lương y như từ mẫu" - đôi khi chỉ giản đơn như thế!

LƯƠNG DUY CƯỜNG
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm