Căng thẳng tại Myanmar đang gia tăng sau khi nước này trải qua ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc đảo chính quân sự diễn ra vào đầu tháng 2-2021.
Theo truyền thông địa phương và các nhân chứng, ít nhất 114 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính hôm 27-3. Con số này nâng tổng số người thiệt mạng cho đến giờ là hơn 440.
Đụng độ dữ dội cũng diễn ra giữa quân đội Myanmar và một số nhóm vũ trang dân tộc. Một tổ chức dân sự hôm 28-3 nói với Reuters rằng máy bay quân sự tấn công một ngôi làng thuộc kiểm soát của nhóm vũ trang người thiểu số Karen, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng. Vụ tấn công diễn ra sau khi nhóm vũ trang thiểu số Liên minh Quốc gia Karen (KNU) cho biết đã chiếm một chốt quân sự gần biên giới với Thái Lan.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục có phản ứng mạnh trước tình trạng bạo lực leo thang ở Myanmar. Bộ trưởng quốc phòng của 12 nước (Mỹ, Anh, Nhật Bản, Úc, Canada, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Ý, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc) hôm 28-3 ra tuyên bố chung lên án việc quân đội Myanmar sử dụng vũ lực sát thương nhằm vào người biểu tình. Trong khi đó, ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Myanmar, cho rằng đã đến lúc thế giới hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng trên. Ông Andrews cho rằng có thể tìm giải pháp thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hoặc một hội nghị thượng đỉnh quốc tế khẩn cấp. Trước mắt, quan chức này kêu gọi ngăn chính quyền quân sự Myanmar tiếp cận các nguồn thu (như từ dầu khí) và vũ khí.
Huệ Bình (NLĐO)