Tin tức

Sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam ở Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam vì họ tìm thấy điểm chung là tuân thủ nguyên tắc quốc gia, tuân thủ luật quốc tế.

Thời gian gần đây, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Ngay lập tức, Việt Nam đã trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.

Liên quan đến các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có những tiếng nói mạnh mẽ, yêu cầu Bắc Kinh ngừng ngay các thói bắt nạt nước khác và kiềm chế, tránh các hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn khu vực. Hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông là "sự cản trở các hoạt động khai thác và sản xuất dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam".


 

Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc.



Tuân thủ luật quốc tế

Trao đổi với Đất Việt chiều 22/7, Ths. Hoàng Việt - chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông (Quỹ nghiên cứu Biển Đông) đánh giá cao phản ứng kịp thời của Việt Nam trước những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Quan điểm nhất quán về chủ quyền và hành xử đúng mực, tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam đã phát huy hiệu quả.

"Cộng đồng quốc tế và đặc biệt là Mỹ đã lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Cộng đồng quốc tế tôn trọng quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp trên biển. Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế, Việt Nam chỉ lên tiếng bảo vệ quyền lợi được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Luật quốc tế được đặt ra nhằm đảm bảo các quốc gia có thể tồn tại được với nhau. Nếu một quốc gia nào đó tự làm theo ý của mình, bất chấp luật pháp quốc tế thì trật tự đã có sẽ không được duy trì.

Cộng đồng quốc tế tìm thấy điểm chung với Việt Nam đó là tuân thủ nguyên tắc quốc gia, tuân thủ luật quốc tế. Chính vì vậy họ hủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc một mặt họ nói rằng họ tuân thủ luật quốc tế nhưng thực chất họ đang phớt lờ luật quốc tế, đi ngược lại luật quốc tế. Thậm chí, Bắc Kinh muốn vẽ luật quốc tế theo cách riêng của họ", ông Việt phân tích.

Theo chuyên gia Hoàng Việt, trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc buộc phải thay đổi quan điểm của mình nếu không muốn bị cô lập. Việt Nam luôn tôn trọng Trung Quốc vì mối quan hệ truyền thống giữa hai nước. Tuy nhiên,Trung Quốc cũng phải thể hiện là một láng giềng tin cậy, một nước lớn có trách nhiệm, tôn trọng luật pháp quốc tế.

"Trung Quốc đang tự làm mất đi uy tín của một cường quốc trên thế giới. Trung Quốc có mạnh đến đâu mà không có uy tín trên trường quốc tế thì cũng khó có thể trở thành một cường quốc.

Thực tế cho thấy, cộng đồng quốc tế đã lên án Trung Quốc rất nhiều, đồng thời phản bác lại quan điểm của Bắc Kinh. Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền mà Việt Nam được hưởng theo UNCLOS", vị chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông nhấn mạnh.

Tương lai của COC

Trả lời cho câu hỏi Việt Nam có nên tranh thủ sự đoàn kết của các nước ASEAN và sự ủng hộ quốc tế để thúc đẩy việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hay không, Ths. Hoàng Việt nhận định, về COC các nước ASEAN đã thống nhất với nhau từ năm 2017 thông qua dự thảo khung COC. Tuy nhiên khúc mắc lớn nhất đó là khi đưa ra dự thảo ra thì Trung Quốc lại không chấp nhận. Tất cả các tiến trình lại phải bắt đầu lại từ đầu.

Để có thể ký kết COC phải mất một thời gian rất dài nữa.

"Trung Quốc muốn bành trướng sức mạnh và Biển Đông là bước đi đầu tiên của Bắc Kinh, chính vì thế vùng biển này mới trở nên nóng như vậy.

Đến khi nào Trung Quốc cảm nhận được sức ép của cộng đồng quốc tế, buộc họ phải hiểu rằng, họ không được phép làm như vậy thì lúc đó Trung Quốc mới thay đổi. Và khi ấy Biển Đông mới có thể trở thành vùng biển của hòa bình, hợp tác và phát triển", ông Việt kết luận.

 Hồng Hải (baodatviet)

 

Có thể bạn quan tâm