Gượng dậy sau chiến tranh, qua 46 năm xây dựng đất nước, nhất là sau 35 năm Đổi mới, ngày nay Việt Nam đã thực sự có vị thế và tầm vóc mới trên trường quốc tế.
Thống nhất đất nước, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho dân tộc là niềm vui lớn từ ngày 30-4-1975. Toàn dân chuyển sang xây dựng đất nước đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nền kinh tế thực sự đã kiệt sức với GDP/người chỉ vào khoảng 80 USD. Hơn thế nữa, nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ; nguyên liệu, vật tư thì cung ứng từ nước ngoài. Do vận dụng kéo dài cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong thời chiến sang thời bình, triệt tiêu động lực vật chất của nông dân và doanh nghiệp, lương thực sản xuất ra không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, nhà nước phải nhập bo bo để cho dân ăn...
NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG
Ngay trong đại dịch Covid-19 này, khi đại dịch gây tai họa khủng khiếp cho loài người và suy thoái kinh tế trầm trọng, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, duy trì đời sống bình thường cho người dân và đạt được tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020 và trong quý I/2021. Bạn bè quốc tế đều bày tỏ sự hài lòng và cảm thấy may mắn được sống ở Việt Nam. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô được ổn định, chỉ số giá và tỉ giá được kiểm soát, cung - cầu trên thị trường trong nước được bảo đảm, Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong cán cân thương mại quốc tế.
Quy mô nền kinh tế đã được nâng lên đáng kể: Nếu như năm 1955 GDP đạt 6,3 tỉ USD, năm 1986 bắt đầu công cuộc Đổi mới đạt 26,88 tỉ USD thì năm 2020 đã tăng hơn 10 lần, đạt 271,2 tỉ USD. Theo đánh giá lại quy mô nền kinh tế của Tổng cục Thống kê thì năm 2020 GDP đạt 343,6 tỉ USD, vượt GDP của Singapore.
Nếu như thu nhập bình quân đầu người năm 1975 đạt 80 USD, năm 1985 đạt 159 USD thì năm 2020 đã đạt 2.779 USD, theo đánh giá lại của Tổng cục Thống kê đã đạt 3.521 USD/người. Do giá nhiều sản phẩm và dịch vụ ở Việt Nam thấp, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP: Purchasing Power Parity) thì GDP/người của Việt Nam tương đương khoảng 7.000 USD/người, khẳng định vị thế và tầm vóc mới của đất nước.
Đại hội XIII của Đảng (2021) đã đề ra mục tiêu: "Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5%-7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỉ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP".
Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế hạng trung ở Đông Nam Á.
Đặc biệt, nông nghiệp Việt Nam đã trở thành bệ đỡ an toàn cho nền kinh tế, sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,45 triệu tấn, tăng 12,2%; sản lượng rau các loại tăng 80,5%, trái cây tăng 50%. Năng suất lúa của Việt Nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và 1,5 lần so với Ấn Độ; trở thành quốc gia bảo đảm bền vững an ninh lương thực.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đã đạt 41,3 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay; thặng dư thương mại đạt 9,5-10 tỉ USD. Đã có 10 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên, khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã thực sự phát huy hiệu quả.
Sau 46 năm xây dựng và phát triển kể từ 30-4-1975, quy mô nền kinh tế nước ta đã nâng lên vượt bậc, kinh tế tư nhân được chú trọng, nhiều tập đoàn lớn, công trình lớn vươn tầm quốc tế- Ảnh: Hoàng Triều |
CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ TIN TƯỞNG
Việt Nam đã nhanh chóng vượt qua được tình trạng bị bao vây, cấm vận sau năm 1979, thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành một đối tác xây dựng, đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, đối tác toàn diện với 13 nước, trong đó có tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đã được bầu là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với 192/193 nước bỏ phiếu ủng hộ, khẳng định uy tín của đất nước. Không chỉ hội nhập về kinh tế, chúng ta còn tham gia lực lượng bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Dân tộc Việt Nam luôn phân biệt rõ ràng nhân dân các nước và nhà cầm quyền của những nước đó, chính vì vậy mà phong trào phản chiến mạnh mẽ ở nước Pháp từ năm 1946 đến 1954 và phong trào phản chiến sâu rộng của nhân dân Mỹ trong cuối những năm 1960, đầu thập kỷ 1970 đã góp phần có hiệu quả chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
NỀN KINH TẾ MỞ HÀNG ĐẦU
Trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã tham gia hội nhập trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Chúng ta đã tham gia đàm phán ký kết 16 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA), trong đó 13 FTA đã có hiệu lực. Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập toàn diện nhất thế giới qua các cấp độ (song phương, đa phương, khu vực) và theo các hình thức và khung khổ khác nhau (đối tác chiến lược, hiệp định, diễn đàn, tổ chức quốc tế...). Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết gần 100 hiệp định thương mại song phương. Ngày nay, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế mở hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương với trị giá xuất nhập khẩu đạt khoảng 200% GDP.
Việt Nam đã ký 2 hiệp định có tiềm năng rất lớn là Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mở ra cơ hội cho xuất khẩu trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất nhập khẩu và nay đã xuất siêu, có thặng dư thương mại. Việc có quan hệ FTA với các nền kinh tế lớn và phát triển tại các khu vực địa lý khác nhau đã giúp Việt Nam đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, hình thành được cơ cấu thị trường hợp lý hơn, không quá phụ thuộc vào thị trường duy nhất nào.
Với những nỗ lực bền bỉ, môi trường kinh doanh ở nước ta đã có những cải thiện nhất định. Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố năm 2019 cho thấy Việt Nam tăng 10 bậc, xếp thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng liên tục, từ thứ 89 năm 2013 lên vị trí 45 năm 2018.
Những tiến bộ đạt được là rất đáng trân trọng nhưng còn dưới tiềm năng của dân tộc và đất nước. Nguy cơ tụt hậu vẫn chưa được khắc phục. Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, có hiệu quả hơn nữa để nâng cao tầm vóc và vị thế của quốc gia và dân tộc trên trường quốc tế.
Phải cởi mở với cái mới Cách mạng công nghệ 4.0 với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, người máy, trí thông minh nhân tạo đang thay đổi sâu rộng tất cả lĩnh vực trong đời sống xã hội từ kinh tế, giáo dục đến từng gia đình, từng con người. Tụt hậu trong quá trình chuyển đổi này sẽ làm đứt gãy kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn đến giảm sút năng lực cạnh tranh quốc tế. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần cởi mở với những ý kiến đổi mới, sáng tạo táo bạo, vượt qua những quan niệm không còn phù hợp với những nhận thức hiện nay để đạt được tiến bộ mạnh mẽ hơn trong toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng cao, năm 2019 đạt thứ hạng tốt nhất từ trước tới nay: xếp thứ 42 trên 129 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp. |
LÊ ĐĂNG DOANH
(Dẫn nguồn NLĐO)