Thời sự - Bình luận

Tạm dừng nhà hàng, bar, karaoke: Chính thức bước vào "thời chiến"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không cắt tóc không chết. Không làm đẹp thì vẻ đẹp càng chân phương hơn. Không bar, không bi-a đỡ tốn tiền mất thời gian. Cả nước đang trải qua 2 tuần “thời chiến” mà sống chậm lại, hạn chế nhu cầu bản thân cũng chính là chống “giặc COVID-19”.

 

Lớp dạy Yoga của Kim Nguyên ngay tại khu cách ly ở Đà Nẵng chính là biểu hiện cho một lối sống an toàn, tích cực, lạc quan cần có trong 2 tuần cả nước



Thủ tướng đã yêu cầu đóng cửa các cơ sở dịch vụ không cần thiết, nhà hàng, karaoke, yêu cầu các cơ sở thờ tự không tụ tập đông người.

Hà Nội vận động người dân tạm đóng cửa hàng quán. TP HCM đã tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, nhà hàng quán bia, các câu lạc bộ bida, phòng gym, cơ sở làm đẹp, uốn, hớt tóc...

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong 2 tuần tới, người dân ráng “chịu cực hơn để sau sướng hơn”, bởi nếu vẫn sống như bình thường thì sau đó đất nước sẽ gặp khó khăn.

2 tuần then chốt chống dịch, 2 tuần “quyết định thành bại cuộc chiến chống COVID-19” đã thực sự bắt đầu và nói như ông Nhân “nếu để lỡ thời cơ vàng này thì không thể làm lại và có lỗi với lịch sử”.

Chúng ta đang chứng kiến một thực tế nguy hiểm: Chỉ trong vòng 4 ngày, từ 20- 24.3, đã có ít nhất 8 trường hợp bị nhiễm COVID-19 liên quan tới quán bar Buddha ở quận 2, TP HCM.

Mô hình phát triển số mắc COVID-19 được một số bác sĩ tính toán cho thấy: nếu không hạn chế đi lại, tiếp xúc, từ 1 người bệnh sau 5 ngày sẽ lây thành 2,5 người nhiễm, lây tiếp theo cấp số nhân sau 30 ngày sẽ thành 406 người nhiễm.

Vậy là COVID-19 có nguy cơ tăng không chỉ cấp số nhân mà là cấp lũy thừa nếu không hạn chế tiếp xúc. Và “nếu để đến giai đoạn mỗi ngày tăng thêm 2.000 ca nhiễm trở lên thì chúng ta có xây dựng bệnh viện ngàn giường cũng không có tác dụng gì cả, không có trại cách ly nào làm cho kịp với tốc độ lây nhiễm”.

Một nguy cơ, một thử thách cực kỳ lớn mà trang tin Chính phủ so sánh với việc “Đất nước chính thức bước vào thời chiến”, như một cách hiệu triệu nhân dân chung sức đồng lòng chống dịch như chống giặc.

Chính phủ đã làm mọi cách để vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Và bây giờ, chính là lúc chúng ta thể hiện phẩm chất hi sinh của một người dân/người lính trong thời chiến.

Hi sinh, trong chỉ 2 tuần, có khi chỉ đơn giản bằng cách vẫy tay thay vì bắt tay. Bởi nếu hạn chế tiếp xúc tốt, 2 tuần ấy sẽ cho Chính phủ, cho ngành y tế quỹ thời gian để giảm thiểu nguy cơ lây lan, để cơ quan chức năng tìm và cách ly những đối tượng nguy cơ đang còn sót ngoài cộng đồng.

Sự hi sinh ấy, nói giản dị như ông Nguyễn Thiện Nhân: “Tóc chưa dài lắm khỏi cắt. Giày chưa hư khoan mua. Làm móng tay, mua quần áo, bánh kẹo… nếu chưa thật cần thiết thì hãy hoãn lại”

Sự hi sinh ấy đơn giản chỉ là hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc, hạn chế những nhu cầu thật ra không có cũng chẳng cháy nhà chết người gì.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tam-dung-nha-hang-bar-karaoke-chinh-thuc-buoc-vao-thoi-chien-793113.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm