Tin tức

Tầng lớp trung lưu có cứu được nền kinh tế Trung Quốc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo CNBC, bất chấp tăng trưởng kinh tế giảm tốc và chiến tranh thương mại với Mỹ, giới đầu tư vẫn đặt niềm tin vào tầng lớp trung lưu đang phát triển tại Trung Quốc.
Theo CNBC, có những công ty đang cố tạo ra những nhân vật đáng nhớ như Chuột Mickey phiên bản Trung Quốc. Một số khác tung ra chiêu thức làm bít tết. Trong khi đó, vài người hiểu rằng các bậc phụ huynh Trung Quốc đang đặt mọi kỳ vọng vào con cái họ.
Đó là những nhà đầu tư đặt cược vào tầng lớp trung lưu của Trung Quốc. Một phân tích của McKinsey chỉ ra tầng lớp này có thể lên đến 550 triệu người trong 3 năm tới, gấp 1,5 lần toàn bộ dân số Mỹ hiện nay.
 
Hãng Pearl Studio tham vọng tạo ra những nhân vật hoạt hình nổi tiếng ngang với Chuột Mickey. Ảnh: Forbes.
Đầu tư vào thị trường phim lớn nhất thế giới
Các đại gia tiêu dùng Mỹ và hàng loạt công ty Trung Quốc đang hướng đến tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới.
Đối với Pearl Studio, hãng phim có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc sắp nổi lên là thị trường phim lớn nhất thế giới và những bộ phim hoạt hình về Trung Quốc đã "đến thời".
Công ty nổi lên vào năm ngoái từ một liên doanh giữa DreamWorks Animation và CMC Capital Partners. Bộ phim gốc đầu tiên của hãng, Abominable, lấy bối cảnh Trung Quốc thời hiện đại và được công chiếu tại Mỹ vào ngày 27/9.
Tác phẩm ra rạp Trung Quốc vào ngày 1/10, bắt đầu tuần lễ kỷ niệm quốc khánh của nước này.
"Chúng tôi tin rằng Trung Quốc hiện là quốc gia sẽ mang đến cơ hội xây dựng một công ty giải trí đẳng cấp thế giới. Nước này sẽ có Chuột Mickey của riêng mình vì sự bùng nổ của toàn bộ ngành công nghiệp giải trí và tiêu dùng", CEO Frank Zhu nói với CNBC hồi tháng trước.
Abominable được đồng sản xuất bởi DreamWorks và được Universal Pictures phát hành bên ngoài Trung Quốc. Chuyện phim theo chân những thanh thiếu niên giúp đỡ một người tuyết trở về nhà bằng cách du lịch khắp Trung Quốc.
Ngoài việc phát hành phim trong nước, kế hoạch kiếm tiền của Pearl còn bao gồm mối quan hệ với McDonald's, Alibaba, chuỗi khách sạn Huazhu và nền tảng giáo dục trực tuyến Xueersi.
Trong cuộc trò chuyện với CNBC, ông Zhu tỏ ra hào hứng với dự án tiếp theo của Pearl, Over the Moon, bộ phim kể lại một huyền thoại Trung Quốc được đạo diễn Glen Keane, người đứng sau The Little Mermaid, cầm trịch.
Hãng phim cho thấy sự lạc quan bất chấp tăng trưởng chậm lại của phòng vé Trung Quốc, chưa kể đến áp lực chung đối với nền kinh tế và xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung.
Nhưng những tuyên bố về chính sách của chính phủ Trung Quốc vào mùa hè này đã thúc đẩy tiêu dùng. Đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, người tiêu dùng tạo nên cơ hội quan trọng và là nguồn tăng trưởng.
"Tiêu dùng nói chung rất mạnh mẽ và bạn nghĩ điều gì đã thúc đẩy nó. Đó là những người tiêu dùng mới bước vào tầng lớp trung lưu. Và đó cũng là động lực tăng trưởng chính của thị trường Trung Quốc", Daniel Zipser của McKinsey bình luận.
Kết hợp mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến
Gã khổng lồ bán lẻ Mỹ đã hoạt động tại Trung Quốc hơn 20 năm qua. Nhưng họ hiện đẩy mạnh đầu tư vào nền kinh tế này với kế hoạch xây dựng thêm ít nhất 14 cửa hàng thành viên Sam's Club vào năm 2022. Trong khi đó, những cửa hàng hiện có đang được cải tạo.
Các cửa hàng được nâng cấp thêm các bếp làm bít tết với một đầu bếp chuyên nghiệp đứng hướng dẫn cách chế biến thịt bò bằng gia vị và chảo có bán tại cửa hàng.
 
Khách hàng được hướng dẫn cách chế biến thịt bò ngon nhất. Ảnh: Fortune.
Walmart chi tổng cộng 56 triệu USD trong 1 năm qua để nâng cấp các cửa hàng tại Trung Quốc, theo Daniel Shih, giám đốc của công ty ở Trung Quốc.
Ông tiết lộ Walmart có kế hoạch đầu tư 1,1 tỷ USD vào chuỗi cung ứng trong vòng 1 hoặc 2 thập kỷ nữa.
Hiện tại, Sam's Club đang sử dụng hàng loạt kho để triển khai dịch vụ giao hàng một giờ cho hơn 2,6 triệu thành viên tại Trung Quốc. Hơn 290 cửa hàng Walmart cũng cung cấp dịch vụ giao hàng một giờ thông qua đối tác chiến lược Dada-JD.
Chìa khóa khác cho sự tăng trưởng của công ty là chất lượng sản phẩm, theo ông Shil. Tại Trung Quốc, các cửa hàng Sam's Club bày bán hàng loạt thương hiệu nước ngoài cũng như sản phẩm nội địa được khách Trung Quốc tìm kiếm.
Ủng hộ sản phẩm "Made in China"
Mức độ ảnh hưởng của những thương hiệu địa phương cho thấy xu hướng ngày càng thành công tại Trung Quốc: Những thương hiệu "cây nhà lá vườn".
Tuần trước, Nike báo cáo doanh số khả quan tại quốc gia này. Nhưng trên trang mua hàng Fenqile, công ty thương mại điện tử tiết lộ doanh số bán hàng của hãng giày sneaker Trung Quốc Huili vượt trội hơn hẳn Nike và Adidas.
Doanh số của các thương hiệu thời trang và làm đẹp Trung Quốc cũng tăng gấp 3 lần trong tháng 8.
Hãng đồ trang điểm Perfect Diary mới ra mắt hơn 2 năm trên nền tảng thương mại điện tử Tmall của Alibaba. Công ty này hướng đến đối tượng khách hàng dưới 24 tuổi với các chiến dịch quảng bá có sự góp mặt của những người nổi tiếng Trung Quốc.
Perfect Diary cho biết công ty đã trở thành thương hiệu mỹ phẩm đầu tiên đạt doanh số hơn 14 triệu USD trong năm 2018 vào dịp 11/11. Công ty cũng cho biết đang lên kế hoạch tăng gấp 4 lần số cửa hàng lên 40 vào cuối năm nay, và 600 cửa hàng trong vòng 3 năm.
 
Các thương hiệu nội địa Trung Quốc đang tăng trưởng chóng mặt. Ảnh: Seventietwo.
Bên cạnh đó, Yum China, KFC tại Trung Quốc cho biết họ cũng đầu tư mạnh vào thị trường cà phê đang bùng nổ, và trở thành nhà bán lẻ lớn thứ hai với doanh số 90 triệu cốc.
Trang web phát triển video trực tuyến iQuiyi cũng tuyên bố đã trở thành nền tảng video trực tuyến đầu tiên thu hút hơn 100 triệu thuê bao trả tiền trong một quốc gia vào tháng 6.
Trong khi đó, chỉ có khoảng 60 triệu thành viên đăng ký với Netflix vào tháng 6 tại Mỹ.
Phương Thảo (Zing.vn)

Có thể bạn quan tâm