Tin tức

Tàu Nhật-Trung rượt đuổi trên biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc sáu tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh ngày 14-9 đã khiến căng thẳng giữa hai nước leo thang đến mức cao nhất kể từ năm 2010.

Tàu tuần duyên Nhật (trên) bám theo tàu hải giám 51 của Trung Quốc trên vùng biển gần quần đảo Senkaku-Điếu Ngư ngày 14-9

Lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) đã phát cảnh báo và yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển quần đảo Senkaku nhưng chỉ có ba tàu rời đi. Tàu Trung Quốc cũng đáp lại bằng cách cảnh báo và yêu cầu tàu Nhật rút đi. JCG cho biết đến chiều 14-9, toàn bộ tàu Trung Quốc đã rút khỏi khu vực.

Trung Quốc đã điều tàu đến vùng biển quanh quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku trong nhiều giờ, không lâu sau khi Nhật mua lại một số đảo thuộc quần đảo này. Đối với Tokyo, cuộc biểu dương sức mạnh này là “chưa từng có” và Nhật đã lập tức triệu đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đến để phản đối và khẳng định hành động của Bắc Kinh là xâm phạm vùng lãnh hải do Nhật kiểm soát. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố khẳng định các tàu của họ đến vùng biển quanh quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư-Senkaku là để tuần tra và thực thi luật pháp. Các hoạt động này nhằm chứng tỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này và bảo vệ các lợi ích hàng hải của mình.

Các nhà phân tích cho rằng Nhật và Trung Quốc nên kiềm chế để căng thẳng không vượt quá tầm kiểm soát. Tuy nhiên, việc kiểm soát căng thẳng hiện nay xem chừng khó khăn, bởi Trung Quốc đang ở vào giai đoạn chuyển giao chính trị có phần phức tạp hơn dự kiến, Nhật cũng đang chuẩn bị bầu cử sớm.

Chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Brookings ở Washington (Mỹ) Cheng Li tỏ ra quan ngại khi nhận định: “Chúng ta không thể loại bỏ khả năng xung đột quân sự. Căng thẳng là có thật. Các lãnh đạo Trung Quốc phát biểu cứng rắn và hành động rất cẩn trọng nhưng đôi lúc mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát. Dư luận Trung Quốc trở nên quá mạnh mẽ. Vì vậy các lãnh đạo phải phát biểu vô cùng cứng rắn. Bằng cách này, họ sẽ làm gia tăng căng thẳng”.

Vụ tranh chấp Senkaku-Điếu Ngư đã khiến quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ từ nhiều tuần qua. Tháng 8, một nhóm nhà hoạt động lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc đã đặt chân lên đảo Uotsurijima, một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku, và đã nhanh chóng bị bắt giữ, bị trục xuất sau đó. Vài ngày sau, một nhóm nhà hoạt động Nhật cũng đã lên đảo và cắm cờ trên quần đảo Senkaku để khẳng định chủ quyền của Nhật Bản. Sự việc này đã gây nên một làn sóng chống Nhật của hàng ngàn người ở 20 thành phố Trung Quốc với nhiều vụ tấn công nhắm vào các nhà hàng, xe cộ của Nhật ở một số thành phố, thậm chí có những kẻ lạ mặt đã tấn công xe và xé cờ Nhật trên xe của Đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh.

Ngày 14-9, Nhật đã yêu cầu phía Trung Quốc đảm bảo an ninh cho các công dân Nhật sau khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công công dân Nhật tại Thượng Hải. Lãnh sự quán Nhật tại Thượng Hải cho biết ít nhất bốn công dân của họ đã bị thương khi một nhóm người Nhật đang ăn tối thì bị những người Trung Quốc tấn công. Bộ Ngoại giao Nhật cũng đã cảnh báo công dân của mình đang ở Trung Quốc hoặc chuẩn bị đến nước này cẩn trọng với các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản và tránh gây sự chú ý.

Theo tuoitre

 

Có thể bạn quan tâm