Thách thức lớn nhất khi làm phim về Trịnh Công Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo tiết lộ của đoàn phim "Em và Trịnh", để xây dựng nên tác phẩm, ê-kíp đã thu thập hàng ngàn tư liệu về cuộc đời Trịnh Công Sơn. Đó là thách thức không nhỏ.

Phim
Phim "Em và Trịnh" nói về Trịnh Công Sơn. Ảnh: NSX
Hàng nghìn trang tư liệu và nhân chứng sống
Theo nhà sản xuất “Em và Trịnh”, trong 5 năm chuẩn bị cho ý tưởng kịch bản và 2 năm nghiên cứu, các biên kịch của bộ phim đã tìm tòi tư liệu mà đôi khi cùng một sự việc lại có những phiên bản khác nhau. Bên cạnh sự đóng góp ý tưởng đến từ gia đình, bộ ba Phan Gia Nhật Linh -  Nguyễn Thái Hà - Bình Bồng Bột đã nghiên cứu hàng nghìn trang tài liệu và gặp gỡ những “nhân chứng sống” là bạn bè của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Quá trình này không chỉ tiêu tốn thời gian mà còn làm các nhà biên kịch “Em và Trịnh” rơi vào “bão” thông tin như chia sẻ từ biên kịch Bình Bồng Bột.
Còn theo nhà sản xuất sáng tạo của phim - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, cái khó của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và biên kịch Bình Bồng Bột là chắt lọc được trong hàng ngàn tư liệu về cuộc đời Trịnh Công Sơn để xây dựng góc nhìn của bản thân để kể về người nhạc sĩ. Cuối cùng, sau 5 năm chuẩn bị cho kịch bản, “Trịnh Công Sơn” và “Em và Trịnh” mang đến một Trịnh Công Sơn lãng mạn nhất trong những năm tháng hoa niên, giữa một thời đại sống và yêu hết mình, với con người, với lý tưởng và tình yêu nghệ thuật, đồng thời cũng là một Trịnh Công Sơn tuổi trung niên trầm lắng hơn nhưng vẫn ẩn giấu sự hồn nhiên lãng mạn dành cho tình yêu và nghệ thuật.

 
Những hình ảnh trong phim. Ảnh: NSX
Những hình ảnh trong phim. Ảnh: NSX
Phức tạp ở khâu bối cảnh và phục trang
Bộ phim về khía cạnh cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trải dài suốt 3 thập kỷ từ những năm 1960-1990. Vì thế, thách thức của nhà sản xuất đến từ việc toàn bộ chuyện phim đều diễn ra trong quá khứ nên không thể tận dụng nhiều bối cảnh hiện đại sẵn có. Vượt ra bên ngoài khung cửa sổ nhỏ nhắn của những ngôi nhà nhuốm màu thời gian - là Huế những năm 60 đầy biến động, là B’lao quanh năm hiu quạnh, là Sài Gòn thập niên 90 đang chuyển mình theo thời đại mới.
“Em và Trịnh” được bấm máy vào tháng 11.2020 tại Huế, ngay sau trận bão lũ lịch sử tháng 10 và giữa cơn bão số 13 hoành hành với gió giật kèm mưa nặng hạt. Đó là những ngày cực kỳ gian nan của toàn bộ đoàn phim, khi phải phục dựng bối cảnh Huế những năm 1960 trong thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Nhờ sự ủng hộ của các cơ quan chức năng, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhất là tình yêu thương từ người dân, ê-kíp mới có thể hoàn tất quá trình quay phim ở đây với nhiều bối cảnh đặc biệt như Gác Trịnh, cầu phủ Cam, cầu Tràng Tiền…

 
Phục trang trong phim. Ảnh: NSX
Phục trang trong phim. Ảnh: NSX
Một bối cảnh đặc biệt trong phim là trường sơ học Bảo An, nơi Trịnh Công Sơn có thời gian dạy học ở B’lao. Nhà sản xuất phim đã dựng lại toàn bộ ngôi trường này trên một ngọn đồi ở Tà Năng. Ê-kíp phải di chuyển bằng xe công nông lên đồi từ sáng sớm, làm việc trong môi trường khắc nghiệt, hoàn toàn không có sóng điện thoại.
Ngay trước ngày bấm máy 5 ngày, trường học mà ê-kíp dựng lên đã bị bão giật sập và kế hoạch quay phải dời lại một tháng.
Tương đồng với sự đầu tư của bối cảnh, khâu phục trang cũng là một yếu tố quan trọng để đưa khán giả ngược về quá khứ. Phụ trách thiết kế phục trang - nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn, nhà sáng lập Thuỷ Design House cho biết: “Chưa có nhân vật nam nào lại nhiều phục trang như Trịnh Công Sơn”. 
Bên cạnh đó là 700 bộ phục trang cho các nhân vật trải dài suốt 3 thập niên, mỗi nhân vật xuất hiện trên màn ảnh dù chính hay phụ đều được yêu cầu sự chăm chút.
Theo Di Py (LĐO)
https://laodong.vn/giai-tri/thach-thuc-lon-nhat-khi-lam-phim-ve-trinh-cong-son-1056055.ldo
 

Có thể bạn quan tâm