Thái Kim Tùng: Sân khấu là cuộc gặp gỡ tình cờ mà đầy duyên nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sinh năm 1989 tại TP HCM, Thái Kim Tùng xuất hiện với nhiều vai trò khác nhau ở cả sân khấu và truyền hình và giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu TP HCM. Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Thái Kim Tùng về cuộc hội ngộ tình cờ mà đầy duyên nợ của anh với sân khấu.
Trước dịch Covid -19, Thái Kim Tùng cùng với một nhóm nghệ sỹ khác dàn dựng vở diễn "Gặp nhưng không ở lại" (kịch bản: Phạm Tân) đã công diễn. Hiện nay khi TP HCM trở lại trạng thái bình thường mới Thái Kim Tùng tham gia diễn xuất trong hai vở kịch nói sẽ tham gia Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc trong thời gian tới đây là "Người Nô làng Hồng Phúc" (tác giả: Ngọc Trúc, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) và vở "Thành phố tình yêu" (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn Trần Ngọc Giàu)…
Ngoài ra anh còn một số vở kịch truyền hình khác như "Ông ấy là ba tôi" (tác giả & đạo diễn: Nguyễn Thu Phương), vở "Bảy ngàn đêm" (của tác giả & đạo diễn Bùi Quốc Bảo).

Thái Kim Tùng bỏ ngang ngành tiếng Đức để thi vào ngành diễn viên chỉ vì nghe theo lời rủ rê của một người chị. Ảnh : NVCC
Thái Kim Tùng bỏ ngang ngành tiếng Đức để thi vào ngành diễn viên chỉ vì nghe theo lời rủ rê của một người chị. Ảnh : NVCC
Thái Kim Tùng nghe lời "dụ dỗ" bỏ ngành tiếng Đức thi vào diễn viên
Xin chào đạo diễn Thái Kim Tùng, hiện đã là nghệ sỹ trẻ được chú ý tại TP Hồ Chí Minh, nhưng theo chia sẻ của nhiều bài báo, sân khấu đối với bạn lại là một sự tình cờ, điều đó có đúng không?
- Khi đó tôi là sinh viên năm thứ hai ngành Ngữ văn Đức tại trường Đại học Khoa Học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, ngoài giờ học tôi thường ra quán để phụ mẹ bán hàng. Tại đây, tôi hay gặp một chị diễn viên làm ở sân khấu Idecaf là khách quen của mẹ tôi. Sau nhiều lần nói chuyện, thấy tôi yêu mến nghệ sỹ nên chị đã khuyên tôi thi vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh.
Thú thật, trước nay tôi không biết nhiều đến nghệ thuật, cả gia đình và họ hàng tôi cũng không ai theo nghề này. Vừa tò mò vừa háo hức muốn thử sức với một lĩnh vực mới nên tôi đi thi và may mắn được trúng tuyển. 
Khi vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. HCM học ngành diễn viên, tôi được học một người thầy rất giỏi là NSND Việt Anh. Ông chính là người thầy nghệ thuật đầu tiên và cũng là người giúp tôi nhận ra tình yêu lớn lao với sân khấu. Vì thế mà sau này tôi quyết định theo hẳn nghệ thuật xếp lại rất nhiều dự tính với ngành học ngữ văn Đức của mình.
Với quyết định có phần táo bạo này bạn có gặp phải phản đối của gia đình không?
- Tất cả thời gian học đại học của tôi là 10 năm, và trong khoảng thời gian đó tôi chỉ chuyên tâm để học, không đi show nên mọi chi phí đều do gia đình chu cấp. Lúc ấy bố mẹ lo lắng cho tương lai của tôi rất nhiều, khi thấy những người bạn cùng trang lứa của tôi đều đã có công việc ổn định, còn tôi thì vẫn mãi đi học. 
Hơn nữa, ai cũng hiểu khi đi theo nghệ thuật thì rất khó có được chỗ đứng và cuộc sống như ý. Tuy nhiên, vì quá yêu thích và đam mê nên tôi đã dần dần có được những thành tựu nho nhỏ cho mình. Bây giờ thì, bố mẹ cũng đã khá hài lòng về tôi, mặc dù vẫn còn hơi lo (cười).
Có lẽ cũng vì chuyên tâm với việc học như vậy nên vở kịch tốt nghiệp của Thái Kim Tùng trước đây cũng đã trở thành một tác phẩm ăn khách trên sân khấu Hoàng Thái Thanh?
- Đó là một kỷ niệm đẹp! Thật may mắn với tôi khi "Rau răm ở lại" được khán giả ở sân khấu Hoàng Thái Thanh đón nhận nồng nhiệt. Đó là một niềm vui quá lớn với một đạo diễn mới tốt nghiệp như tôi. Hạnh phúc hơn nữa là trong quá trình dàn dựng vở này, tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ sân khấu Hoàng Thái Thanh, cô Ái Như, thầy hướng dẫn NSƯT Thành Hội và các nghệ sĩ tham gia vở diễn, các anh chị em hậu đài, kỹ thuật, nhân viên sân khấu. Tất cả những con người đáng quý ấy đã dạy cho tôi nhiều bài học thật đắt giá cho nghề, đó sẽ luôn là hành trang quan trọng để tôi theo nghề.
Vở kịch thử nghiệm "Giấc mơ" (kịch bản: Nhà văn Nguyễn Đình Thi) được dàn dựng tại sân khấu 5B năm 2016 đã nhận được huy chương bạc tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm tại Hà Nội cùng năm đó. Đây hẳn là một kỷ niệm đặc biệt đối với bạn?

Thái Kim Tùng trong một vai diễn trên sân khấu. Ảnh: NVCC
Thái Kim Tùng trong một vai diễn trên sân khấu. Ảnh: NVCC
- Đúng là rất đặc biệt thưa chị! Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ về vở diễn mỗi khi đến Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ 5B gặp NSƯT Mỹ Uyên hoặc các anh chị em diễn viên trong ê-kíp. Ở một góc độ nào đó cũng có thể coi nó là sự  phá phách, nghịch ngợm của một đạo diễn trẻ là tôi. Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm đó tôi mới 27 tuổi. 
Tôi may mắn tìm được một kịch bản đặc sắc như "Giấc mơ" của cụ Nguyễn Đình Thi. Lần đầu tiên đọc tác phẩm "Giấc mơ", nó đã thổi vào lòng tôi những con sóng dào dạt chẳng khác gì tình yêu khiến tôi say mê nghiền ngẫm suốt hai năm trước khi dàn dựng tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm năm đó. Đặc biệt hơn nữa khi tôi còn là người đầu tiên dàn dựng vở "Giấc mơ" của cụ Nguyễn Đình Thi.
Qua "Giấc mơ" đạo diễn Thái Kim Tùng thấy sân khấu bây giờ ra sao, các vở diễn về đề tài hiện đại có mang đến cho bạn nhiều xúc cảm như thế nữa không?
- Sau "Giấc mơ", tôi có cơ hội dàn dựng nhiều kịch bản khác nhau. Mỗi vở diễn là một cảm xúc nhưng tựu chung ở sự hồ hởi, ấp ủ, và khát vọng tung hoành của một đạo diễn trẻ vẫn căng tràn nhiệt huyết như tôi.
Khi bắt đầu với bất kỳ vở diễn nào, tôi đều tự chuẩn bị cho mình mọi hành trang cần thiết. Vì tôi luôn nghĩ rằng, mỗi lần làm vở là một lần mình lại có một chuyến phiêu lưu kỳ thú mà đích đến luôn là cảm xúc của khán giả. Về các vở diễn đề tài hiện đại gần đây của tôi như "Những giấc mơ lóng lánh", "Tuổi", "2123"... tôi cho rằng sân khấu đặc biệt là thoại kịch cần phải góp chung tiếng nói để giải quyết những vấn đề của cuộc sống ngày hôm nay đặt ra như cơm áo gạo tiền, nơi ăn chốn ở, mối quan hệ của con người với nhau, vai trò của gia đình đối với sự trưởng thành của giới trẻ…
Và tôi nghĩ chẳng còn phương thức nào hay hơn là khán giả ngồi cùng nhau xem một vở kịch, soi mình vào câu chuyện chung để tìm ra câu trả lời riêng cho mình. Đó cũng là lí do mà tôi nghĩ sân khấu phải luôn luôn cập nhật dù là về khía cạnh nội dung hay hình thức nghệ thuật.  
Làm đạo diễn khi tuổi đời còn trẻ, đã khi nào bạn cảm thấy mình còn thiếu vốn sống, thiếu kinh nghiệm so với một công việc có độ phức tạp cao như vậy hay không?
- Ai cũng phải trải qua những tháng ngày non trẻ trước khi trở thành một người hoàn toàn trưởng thành và tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Khi công việc đòi hỏi nhiều hơn những gì mà chúng ta có thì đúng là sẽ rất khó. Rất may là với những vở kịch, những dự án đã hoàn thành thì sự hiểu biết của tôi cũng đã đủ để thuyết phục những người cùng ê-kíp.
Về kiến thức và trải nghiệm không biết mọi người thế nào, còn với riêng tôi, tôi luôn thấy càng lớn lên càng hiểu biết thêm thì lại càng thấy vốn hiểu biết của mình còn quá ít ỏi. Vốn kiến thức của cuộc sống thì mênh mông trong khi sự thu nhận của mình vẫn chỉ ở trong một giới hạn nhất định vì vậy mà tôi nghĩ cần phải học tập luôn luôn giống như việc duy trì tình yêu với nghệ thuật vậy.         

Thái Kim Tùng thích thú khi được vào vai phản diện, vai già. Ảnh: NVCC
Thái Kim Tùng thích thú khi được vào vai phản diện, vai già. Ảnh: NVCC
Thái Kim Tùng thích thú vì sở trường là các vai phản diện, vai già
Song song với vai trò đạo diễn, công việc chính của Thái Kim Tùng tại Nhà hát Kịch TP. HCM vẫn là một diễn viên. Có khi nào bạn thấy ấm ức vì toàn bị giao các vai phản diện hoặc già hơn tuổi thật của mình không?
- Không những không ấm ức mà ngược lại tôi cảm thấy rất thoải mái và thích thú vì đó là sở trường của mình. Ban giám đốc Nhà hát kịch Thành phố luôn tin tưởng giao cho tôi những vai diễn khó, những vai diễn gai góc và có sức nặng. Tôi nhớ hoài kỷ niệm đầu tiên với nhà hát là năm 2015, tôi được giám đốc Anh Kiệt giao cho một vai hơn gấp đôi tuổi thật của mình trong vở "Dòng xoáy nghiệt ngã". 
Nhưng tôi may mắn có được sự dìu dắt của cố đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá, cùng với sự cổ vũ của nhà văn Bích Ngân (tác giả vở). Tôi nỗ lực hơn mức bình thường và đạt được tấm huy chương đầu tiên trong đời ở một Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp năm 2015 tại Thanh Hóa. Đó cũng là một kỷ niệm đẹp trong công việc diễn xuất của tôi.
Cùng với sự nhạy bén khi diễn xuất bạn có muốn thay đổi ngoại hình để có thể đóng được các dạng vai kiểu "bạch mã hoàng tử", "soái ca" mà hầu hết diễn viên trẻ đều thích?
- Vì tôi đã từng đóng vai Hoàng Tử vào năm 2014 rồi nên tôi mới nhận ra mình không phù hợp với các vai chính diện, một chiều. Tôi thích khám phá những vai diễn trắc trở, những dạng nhân vật có tính cách phức tạp. Chính vì thế mà đặc điểm của ngoại hình, của giọng nói hiện tại lại đem về lợi thế cho những vai như thế. Tôi nghĩ là diễn viên mà đẹp được thì rất tốt nhưng nếu không được thì ta gắng chăm chút vào tâm hồn cho đẹp thêm lên cũng tốt chứ sao (cười).
Không chỉ được biết đến với vai trò đạo diễn khi còn rất trẻ mà ngay từ hồi còn là sinh viên bạn đã lập ra một nhóm kịch đi diễn ở các quán cà phê và hoạt động được khá nhiều năm… Bạn nghĩ sao nếu như có người nói mình quá tham vọng với nghề?
- Tôi không nghĩ đó là tham vọng, mà chính xác hơn đó là khát vọng làm nghề. Vì tôi nghĩ tuổi trẻ là độ tuổi của đầu tư và hy sinh, của sự dấn thân và trải nghiệm, nên tôi thấy cần thiết làm những gì mình có thể để nuôi dưỡng năng lực cần có cho mình. Và cũng phải cảm ơn Kịch Cafe, nơi đây cho tôi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, góp phần rất nhiều cho thành công nho nhỏ của tôi ngày hôm nay.
Vậy điều mà bạn ấp ủ hiện tại là gì?
- Ngoài những vở diễn, vai diễn đủ ấn tượng như các nghệ sỹ khác tôi vẫn còn có một niềm ấp ủ riêng là gây dựng lại Kịch Cafe, và muốn phát triển nó trở thành một loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp, một điểm đến lý tưởng vào dịp cuối tuần cho công chúng và giới trẻ TP. HCM.
Bạn có thể chia sẻ cụ thể thêm không?
- Tôi vẫn còn đang phân vân giữa nhiều lựa chọn là sẽ xây dựng mô hình thế nào đi cùng với những đối tác ra sao nên chưa thể chia sẻ với mọi người được!
Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin!
Thái Kim Tùng từng nhận Bằng khen nghệ sỹ xuất sắc tại Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sỹ CAND 2015 - với vai Ngô - vở Bông hồng vàng Nhà hát TG trẻ - Trường ĐH SKĐA TP HCM (TG: Trần Kim Khôi, ĐD Huy Thục), Huy chương bạc liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2015 - Vở Dòng xoáy nghiệt ngã - vai Chủ tịch (tác giả Bích Ngân, đạo diễn cố NSƯT Đoàn Bá), Huy chương bạc Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2018 - vai Bằng vở Người mẹ thứ hai (tác giả Anh Kiệt, đạo diễn Lê Diễn, Huy chương vàng Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người CSCAND 2020- vai Thái vở Lằn ranh (tác giả Kiến Bình, đạo diễn Trần Quý Bình), Danh hiệu Nghệ sỹ trẻ tiêu biểu TP HCM năm 2021 vì thành tích chuyên môn và tham gia công tác tình nguyện trong suốt mùa dịch.
Theo Vũ Nga (Dân Việt)
https://danviet.vn/thai-kim-tung-san-khau-la-cuoc-gap-go-tinh-co-ma-day-duyen-no-20211105011824093.htm

Có thể bạn quan tâm