Tin tức

Thái Lan: Dự luật ân xá ở thế giằng co

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các cuộc biểu tình chống dự luật ân xá vừa được Hạ viện Thái Lan thông qua vẫn tiếp diễn. Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho biết quyền quyết định hiện đang nằm ở Thượng viện. Tuy nhiên, Chủ tịch Thượng viện lên tiếng phản đối dự luật.

Chờ Thượng viện

 

Các cuộc biểu tình tại Bangkok chống dự luật ân xá vẫn tiếp diễn.

Theo Bangkok Post, Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Nikom Wairatpanich ngày 5-11 cho biết, ông sẽ làm mọi cách để ngăn chặn dự luật ân xá gây tranh cãi. Vào tuần tới, Thượng viện Thái Lan sẽ bắt đầu xem xét dự luật. Chỉ cần 76/150 phiếu thuận tại Thượng viện, dự luật này sẽ được thông qua.

Trong khi đó, trong phát biểu đầu tiên về dự luật này sau khi Hạ viện thông qua, Thủ tướng Thái Lan Yingluck cho rằng chính phủ đang chờ đợi quyền quyết định của Thượng viện. Bà khẳng định Chính phủ Thái Lan không tận dụng thế đa số tại Hạ viện để làm những điều chống lại công chúng, và rằng chính phủ của bà chỉ muốn đẩy nhanh tiến trình hòa giải dân tộc. Bà cũng phê phán lực lượng đối lập chống lại dự luật, chưa sẵn sàng tha thứ, thậm chí còn muốn tiếp tục gây bạo lực. Thượng viện của Thái Lan gồm các nghị sĩ không thuộc đảng phái nào, trong đó có 76 nghị sĩ được bầu từ 75 tỉnh và thủ đô Bangkok, 74 ghế còn lại được Ủy ban bầu cử Thượng viện chọn từ các lĩnh vực khác.

Có lẽ chính phủ của Đảng Pheu Thai đang cảm thấy áp lực trước làn sóng biểu tình kéo dài chống dự luật trên trong khi khả năng Thượng viện bác bỏ không phải là nhỏ. Theo Tổng Thư ký Đảng Pheu Thai Phumtham Wechayachai, dự luật ân xá trước đó do Hạ nghị sĩ Đảng Pheu Thai Worachai Hema soạn thảo, trong đó không bao gồm ân xá cho các nhà lãnh đạo các cuộc biểu tình vi phạm pháp luật và những người có chức quyền tham nhũng. Tuy nhiên, văn bản này sau đó được thay thế bằng văn bản của Hạ nghị sĩ Prayuth Siripanich. Theo đó, ân xá cho tất cả mọi người có các hoạt động chính trị bất hợp pháp giai đoạn 2004-2013 cũng như các trường hợp do Ủy ban Kiểm tra Tài sản điều tra (AEC).

Biểu tình tiếp diễn

Báo The Nation cho biết, mặc dù Tổng Thư ký Đảng Pheu Thai Phumtham Wechayachai lặp đi lặp lại lời nhận xét của Thủ tướng Yingluck Shinawatra rằng tương lai của dự luật nằm trong tay của Thượng viện nhưng ông đã từ chối cho biết liệu Hạ viện có tiếp tục sửa đổi dự luật trong vòng 180 ngày sau khi Thượng viện bác bỏ hay không.

Trong khi đó, các nghị sĩ Đảng Dân chủ đối lập cho biết những cuộc biểu tình tại Tượng đài dân chủ sẽ tiếp tục cho đến khi chính phủ rút lại dự luật ân xá. Đã có gần 600.000 người ký tên vào bản kiến nghị online đề nghị rút lại dự luật gây tranh cãi này. Phía Đảng Dân chủ cho rằng bài phát biểu của Thủ tướng Yingluck Shinawatra trên truyền hình không cho thấy có bất kỳ dấu hiệu rút lui hoặc xem xét lại dự luật.

Trong lúc này, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra ngày 6-11 đã chỉ trích đối thủ của mình cố tình làm sai lệch dự luật ân xá và sử dụng điều này để tấn công ông. Tuyên bố, được cố vấn pháp luật của ông là Noppadol Pattama đưa ra, nói rằng đối thủ của ông đã xuyên tạc dự luật, xem đó là công cụ để ân xá cho ông và dọn đường để ông trở về lấy lại tài sản bị tịch thu và tham gia chính trường. Ông Thaksin viết trong bản tuyên bố: “Là một cựu thủ tướng, tôi tôn trọng ý kiến khác nhau của người dân Thái Lan nhưng tôi không thể chấp nhận việc sử dụng các thông tin sai lệch để làm sai lệch vấn đề và gây định kiến cho tôi và gia đình tôi”.

Ông Thaksin cho rằng thật đáng buồn là một số nhóm chính trị gia vẫn nghĩ rằng tấn công ông với thông tin sai lệch sẽ giúp họ trở nên nổi tiếng hơn. Tuy nhiên, chiến thuật này đã bị phản bác thông qua kết quả bầu cử. Ông Thaksin cho biết cuộc đảo chính năm 2006 đã vi phạm các quy định của pháp luật và các trường hợp sau cuộc đảo chính chống lại ông là không công bằng đối với ông và gia đình.

Theo SGGP

Có thể bạn quan tâm