(GLO)- TTXVN dẫn Tân Hoa xã cho biết, tối 29-11, Trung Quốc đã phóng tàu Thần Châu-15 đưa 3 phi hành gia nước này lên quỹ đạo để thực hiện sứ mệnh cuối trong kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung.
Tên lửa đẩy Trường Chinh mang theo phi thuyền Trường Chinh 15 tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ngày 21-11. Ảnh: Reuters |
Tàu Thần Châu-15 đã được phóng lúc 23 giờ 8 phút theo giờ địa phương từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, Tây Bắc Trung Quốc bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F. Đây là sứ mệnh lần phóng thứ 6 trong chương trình vũ trụ có người lái của Trung Quốc trong năm nay và là chuyến bay cuối cùng trong giai đoạn xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc ở quỹ đạo của Trái Đất.
Theo Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc, tàu Thần Châu-15 đã kết nối thành công với trạm Thiên Cung vào rạng sáng 30-11. Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm không gian riêng của nước này tên Thiên Cung từ tháng 4.2021 khi phóng bộ phận đầu tiên và cũng là mô đun chính, mang tên Thiên Hòa. Mô đun này là nơi ở chính của các phi hành gia.
Sau khi cập bến module lõi, 3 phi hành gia trên tàu Thần Châu-15 dự kiến có thời gian 1 tuần để bàn giao với các đồng nghiệp trong sứ mệnh Thần Châu-14 đã ở trạm Thiên Cung hồi tháng 6. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành việc thay người ngay trong vũ trụ, qua đó có thể giúp xác nhận mô hình thay người định kì sau này, bởi việc có đến 6 người ở cùng lúc trên trạm là một thách thức lớn trong việc phân bổ các nguồn lực.
Trong thời gian ở trên trạm không gian, nhóm phi hành gia sứ mệnh Thần Châu 15 sẽ kiểm tra việc sinh sống lâu dài trên trạm không gian và thực hiện nhiều thí nghiệm khoa học khác- theo Tân Hoa xã.
Trạm không gian Thiên Cung kích thước chỉ khoảng 1/5 Trạm không gian quốc tế (ISS) nhưng sẽ là niềm tự hào lớn lao của Trung Quốc, và việc hoàn thành đánh dấu 10 năm lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận BÌnh.
T.S (từ baotintuc.vn,baoquocte.vn, TNO)