Đến tháng 9 chính quyền Washington phải thanh toán các khoản nợ nhưng ngân khố cạn kiệt. Mỹ hoàn toàn có thể lâm vào cảnh vỡ nợ sau hai tháng nữa.
Vào hôm 08/7, Trung tâm chính sách Bipartisan (BPC) ở Washington đã thông báo rằng, Hoa Kỳ có thể phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào đầu tháng 9. Trước đó, vào tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng đã cảnh báo các thượng nghị sĩ về nguy cơ này.
Liệu Hoa Kỳ có cơ may tránh vỡ nợ hay không? Hãng thông tấn Nga Sputnik đã có bài viết về những nguyên nhân làm cho hệ thống tài chính Mỹ đi vào bế tắc và cơ sở thực tiễn của viễn cảnh Mỹ vỡ nợ vào tháng 9 tới đây.
Mỹ dẫn đầu thế giới về bội chi ngân sách
Các chuyên gia của BPC cảnh báo rằng, trong bối cảnh tổng nợ quốc gia của Mỹ đã lên tới 22.000 tỷ USD và doanh thu từ thuế của Hoa Kỳ quá thấp thì việc chi tiêu quá mức từ ngân sách liên bang Mỹ, có thể sớm dẫn đến cảnh vỡ nợ.
Một báo cáo gần đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội lưu ý rằng, thâm hụt ngân sách Mỹ trong ba quý đầu của năm tài chính hiện tại là 746 tỷ USD. Đến tháng 12, thâm hụt ngân sách có thể lên đến một nghìn tỷ USD.
Mức thâm hụt trong thời gian qua đã tăng thêm 208 tỷ USD so với mức thâm hụt cùng kỳ của năm tài khóa trước. Còn thu ngân sách của Chính phủ Mỹ chỉ có 69 tỷ USD. Tức là, kho bạc của Mỹ chi tiền nhanh hơn gấp ba lần so với việc thu thêm tiền.
Theo ý kiến của đa số chuyên gia, chính sách thiển cận của Tổng thống Donald Trump trong lĩnh vực thuế là một yếu tố quan trọng nhất dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước. Vào tháng 12 năm 2017, ông Trump ký dự luật về cải cách thuế có quy mô lớn nhất trong lịch sử Mỹ mà được ông đã từng hứa trong chiến dịch tranh cử.
Cụ thể, cải cách thuế đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%. Lợi nhuận mà các công ty đa quốc gia của Mỹ tích lũy ở nước ngoài bị đánh thuế 15,5% đối với tiền mặt và 8% đối với tài sản chưa thanh toán, mà trước đó mức thuế là 35%. Ngoài ra, Trump đã thay đổi thuế thu nhập cho các cá nhân và giảm danh sách công dân có nghĩa vụ phải nộp cho kho bạc thuế chuyển nhượng tài sản, quà tặng và thuế thừa kế 40%.
Do đó, doanh thu thuế trong năm tài chính hiện tại chỉ tăng 2-3% thay vì 5-6% như đã dự kiến.
Nợ công 22.000 tỷ USD và tiếp tục tăng kỷ lục
Nguy cơ vỡ nợ trong nửa đầu tháng 9 đang gia tăng và thực sự đáng báo động bởi vì Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ phải trả một khoản tiền rất lớn cho các chủ nợ của chính phủ Mỹ trong thời điểm đó; mà trong kho bạc liên bang không có đủ tiền cho việc này.
Mỹ đang có mức nợ công và thâm hụt ngân sách cao kỷ lục
Chính phủ Mỹ có thể làm như mọi khi là bán ra thêm nhiều trái phiếu chính phủ và sử dụng số tiền thu được để thanh toán những món nợ. Nhưng, vấn đề là ở chỗ, vào đầu tháng 3, tổng nợ công của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục hơn 22 nghìn tỷ USD và trong 4 tháng qua đã tăng thêm 500 triệu USD. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ không có quyền vay mượn thêm tiền do các quy định pháp lý về quy mô nợ công.
Các chuyên gia BPC kêu gọi các nghị sĩ khẩn trương giải quyết vấn đề này, vì gần như không còn thời gian nữa - vào ngày 26 tháng 7, Hạ viện Mỹ sẽ bước vào thời gian nghỉ phép, nhưng vấn đề tăng giới hạn nợ vẫn chưa được nêu ra.
"Các thượng nghị sĩ sẽ thực sự là kẻ vô trách nhiệm nếu họ bỏ qua dự báo của chúng tôi. Cách duy nhất để tránh vỡ nợ trong năm nay là tăng giới hạn nợ nhà nước trong hai tuần tới" - ông Shai Akabas, người đứng đầu bộ phận chính sách kinh tế của BPC cho hay.
Kể cả khi Hạ viện Mỹ thông qua việc này thì chính nó lại tiếp tục khiến nợ công của Mỹ tăng lên phi mã, và khi đó, không biết nợ công của Mỹ sẽ tăng lên đến con số bao nhiêu?
Vô tận không phải là giới hạn cuối cùng
Nếu các nghị sĩ Mỹ không tăng giới hạn nợ công trước tháng 9, Bộ Tài chính sẽ phải thừa nhận họ không thể đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tín dụng, mà điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến việc giảm mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Ngoài ra, việc thiếu trái phiếu chính phủ trên thị trường sẽ làm suy yếu đáng kể đồng USD. Rốt cuộc, khi mất cơ hội đầu tư, những người sở hữu đồng dollars sẽ nỗ lực thoát khỏi chúng. Đây sẽ là một cú đánh mới vào tình trạng bi đát của đồng tiền dự trữ thế giới.
Một vấn đề khác là “sáng kiến chính trị” về tăng giới hạn nợ công phải đến từ Tổng thống Mỹ, ông cũng phải thuyết phục các nghị sĩ nên thực hiện bước này một lần nữa. Trong khi đó, căng thẳng cực độ giữa ông Trump và cơ quan lập pháp sẽ khiến việc này trở nên rất khó khăn.
Vào tháng 3, Quốc hội đã ngăn chặn sáng kiến của Tổng thống ban hành tình trạng khẩn cấp trên lãnh thổ các tiểu bang dọc biên giới với Mexico. Điều này chưa từng xảy ra kể từ khi Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia của Hoa Kỳ được ban hành vào năm 1976.
Sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Tổng thống đã bị buộc tội “phản bội nước Mỹ” liên quan đến việc ông hứa sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với gã khổng lồ Công nghệ Thông tin Trung Quốc là Huawei; mặc dù chính ông là người khởi xướng lệnh trừng phạt đó.
Tất cả những điều này cho thấy là, cơ hội quốc hội nước này cho phép tăng giới hạn nợ công gần như bằng số 0 và triển vọng Hoa Kỳ rơi vào tình trạng “vỡ nợ kỹ thuật” vào đầu tháng 9 là hoàn toàn thực tế.
Ngay cả trong trường hợp "thoát chết" trong tháng 9 thì với mức nợ công tiếp tục tăng, Mỹ sẽ lại đối mặt với một vòng xoáy những cơn sốc vỡ nợ khác.
Nhật Nam (Đất Việt)