Tin tức

Thế giới bước vào Tháng lễ Ramadan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng lễ Ramadan là tháng thứ chín theo lịch Hồi giáo và bắt đầu từ tuần Trăng mới.

Từ ngày 1-8, hơn 1 tỷ người Hồi giáo trên khắp thế giới bước vào Tháng lễ Ramadan. Trong tháng này, tất cả những người Hồi giáo từ 10 tuổi trở lên đều phải nhịn ăn, nhịn uống và kiêng một số sinh hoạt khác từ trước bình minh đến hoàng hôn với mục đích cao cả là để nâng cao tinh thần, tập đức tính kiên nhẫn, khoan dung và cảm thông chia sẻ với người nghèo.

Tháng Ramadan kết thúc bằng tuần lễ Idul Fitri, được coi là quan trọng nhất trong năm mới của người Hồi giáo. Trong dịp này, mọi người đều cố gắng để trở về với gia đình, cầu nguyện và phân phát quà cho người thân và người nghèo.

Hơn 1 tỷ người Hồi giáo trên thế giới bước vào Tháng lễ Ramadan
Tại Indonesia, quốc gia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới (chiếm trên 80% trong số 235 triệu dân nước này), nhiều hoạt động được tổ chức nhân dịp đón chào Ramadan, trong đó dễ nhận thấy nhất là các hoạt động quảng cáo thương mại với những chương trình đại giảm giá diễn ra ở khắp các trung tâm thương mại.

Trước Ramadan, mọi gia đình đều mua sắm rất nhiều loại thực phẩm và đồ uống để chuẩn bị cho các bữa ăn tối.

Trong mấy ngày vừa qua, khách du lịch từ Sigapore và Malaysia vẫn tấp nập đến tỉnh Yala của Thái Lan, một trong ba tỉnh có số đông người Hồi giáo sinh sống và nhiều năm nay vẫn xảy ra tình trạng bạo lực. Chính quyền địa phương và cảnh sát đã cam kết đảm bảo an ninh trong tháng lễ Ramadan.

Trong khi đó, tại một số quốc gia có đông người dân theo đạo Hồi ở Trung Đông như Syria, Libya và Yemen, bạo lực vẫn tiếp diễn và thậm chí một số nhà quan sát nước ngoài còn lo ngại tình hình có thể trở nên căng thẳng hơn trong bốn tuần của tháng lễ Ramadan.

Tại Syria, ngay trước thời điểm bắt đầu Ramadan, quân đội chính phủ đã điều xe tăng và binh lính tới thành phố Hama, nơi được coi là căn cứ của phe Hồi giáo bảo thủ, với mục đích tận dụng tháng lễ này để chấm dứt các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài suốt 5 tháng qua.

Trong khi đó, theo một số nhà phân tích, tháng lễ này là dịp người dân thường tập trung đông tại các thánh đường để cầu nguyện và phe đối lập có thể dễ dàng kích động họ tham gia biểu tình phản đối chính phủ.

Theo phân tích của báo "Dân tộc" (Tiểu vương quốc Arab), tại Libya, tháng lễ Ramadan dài và nóng bức được coi là có lợi cho nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi nhờ việc ông cung cấp cho người dân thủ đô Tripoli thực phẩm và nước uống. Trái lại, lực lượng chống đối, vốn gắn kết một cách lỏng lẻo, sẽ bị dàn trải bởi tháng lễ này.

Nhịn ăn và nhịn uống vào ban ngày sẽ hạn chế rất nhiều sức chiến đấu của lực lượng chống đối trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng sa mạc. Lực lượng quốc tế ủng hộ phe chống chính phủ ở Libya cũng phải đối mặt với tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" trong tháng này.

Tại Yemen, tháng lễ Ramadan được nhận định có thể hạn chế khả năng của những người biểu tình chống chính phủ, trong khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh, đang dưỡng thương tại Saudi Arab, đã kêu gọi các phái đối lập tiến hành đối thoại và hòa giải nhằm chấm dứt tình trạng biểu tình gây bạo lực kéo dài nhiều tháng nay ở nước này.

Tuy nhiên, cũng có dư luận lo ngại các cuộc tụ tập hàng ngày của người dân trong tháng Ramadan có thể biến thành các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm