Xung đột quân sự Nga - Ukraine, nếu diễn ra, sẽ khiến Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 14-2 vì những nỗi lo xoay quanh kịch bản Nga tấn công Ukraine và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kìm hãm lạm phát.
Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu có thời điểm giảm 2,6% trong khi các chỉ số DAX của Đức và CAC 40 của Pháp giảm lần lượt 3,3% và 3,2%. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cùng bốc hơi gần 2% ở đầu phiên giao dịch, không lâu sau khi Nhà Trắng cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào.
Thị trường chứng khoán phái sinh cũng "rung lắc" vào ngày 14-2, khi chỉ số Dow Jones Industrial Average và S&P 500 cùng giảm 0,6% - thấp hơn so với mức 0,81% của chỉ số Nasdaq 100.
Người dân Ukraine tham gia huấn luyện quân sự ở thủ đô Kiev vào ngày 13-2. Ảnh: REUTERS |
Cùng ngày, giá khí đốt tự nhiên và giá điện ở châu Âu tăng hơn 10% giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraine có nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Theo hãng tin Bloomberg, Nga là nguồn cung khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, với khoảng 1/3 sản lượng xuất khẩu của quốc gia này đi qua các đường ống dẫn của Ukraine.
Chuyên gia Jason Bordoff của Trường ĐH Columbia (Mỹ) cảnh báo xung đột Nga - Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung năng lượng Nga cho châu Âu, khiến cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực tồi tệ hơn rất nhiều.
Trong khi đó, nhà phân tích Stephen Collinson của đài CNN khẳng định xung đột quân sự Nga - Ukraine, nếu diễn ra, nhiều khả năng cũng khiến Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13-2 cam kết với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về việc trừng phạt Nga "nhanh chóng và dứt khoát" nếu Moscow tấn công Kiev - một phản ứng có thể làm thay đổi chính sách đối ngoại Mỹ và đẩy chính quyền Tổng thống Biden vào một cuộc khủng hoảng mới khi lần đầu tiên trong 30 năm, Washington và Moscow bị kéo vào một cuộc đối đầu trực tiếp.
Xung đột có thể khiến giá dầu leo thang, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân Mỹ, qua đó làm suy giảm triển vọng chiến thắng của Tổng thống Biden và Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.
Lựu pháo tập kết ở căn cứ Munster của Đức ngày 14-2 để chuẩn bị vận chuyển đến Lithuania. Ảnh: REUTERS |
Theo Hiệp hội Ôtô Mỹ, giá xăng tại quốc gia này đã tăng mạnh lên mức 3,48 USD/gallon và đây là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Biden sụt giảm.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba ngày 13-2 cho biết nước ông vừa đề nghị tổ chức một cuộc họp với Nga và các nước thành viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong vòng 48 giờ để thảo luận tình hình biên giới.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hội đàm với Tổng thống Zelensky về giải pháp hỗ trợ Ukraine ổn định kinh tế giữa lúc đồng tiền nước này bị ảnh hưởng vì nỗi lo chiến tranh. Một ngày sau chuyến thăm Kiev, nhà lãnh đạo Đức đến Moscow vào ngày 15-2 để đàm phán với Tổng thống Putin.
Một quan chức giấu tên của Đức nhận định với Reuters rằng Berlin không kỳ vọng "kết quả cụ thể" từ chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Scholz, song ngoại giao vẫn là một ưu tiên. Theo AP, chính quyền Tổng thống Biden ước tính khoảng 130.000 binh sĩ Nga đang có mặt xung quanh Ukraine.
Viện trợ quân sự của Lithuania, bao gồm tên lửa chống máy bay Stinger, được bốc dỡ xuống sân bay quốc tế Boryspil ở ngoại ô thủ đô Kiev - Ukraine hôm 13-2. Ảnh: REUTERS |
Một vài hãng hàng không đã hủy các chuyến bay đến Kiev trong khi binh sĩ tại đây tiếp nhận đợt bàn giao vũ khí mới từ các nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 13-2. Nhà sáng lập Công ty OPSGROUP (Mỹ) Mark Zee dự đoán danh sách các hãng hàng không né tránh không phận Ukraine sẽ gia tăng trong thời gian tới. |
Theo CAO LỰC (NLĐO)