(GLO)- Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 diễn ra nhân “Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc” tại New York (Mỹ) hôm 21-9 đã được lãnh đạo của các phái đoàn quốc tế bày tỏ sự ủng hộ, chúc mừng và được dư luận đánh giá cao. Sức thuyết phục của thông điệp không chỉ ở câu chữ mà còn bởi đó là tiếng nói của ước vọng hòa bình và hạnh phúc. Chia sẻ ước vọng ấy thông qua diễn đàn Liên hợp quốc là cách mà Việt Nam muốn chứng tỏ với thế giới về truyền thống nhân đạo, nhân văn của mình.
Không ai có thể nói hay hơn, thật hơn người trong cuộc. Là một dân tộc từng chịu cảnh “nghìn năm đô hộ giặc Tàu, trăm năm đô hộ giặc Tây”, hòa bình, hạnh phúc luôn là ước vọng cao cả mà dân tộc Việt Nam phải đánh đổi bằng máu xương và nước mắt hàng ngàn năm nay mới có được. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam đều có quyền tự hào khi nói về lịch sử đấu tranh anh dũng, sự hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc mình. Họ càng có quyền chỉ vào những vết thương không thể lành lặn do chiến tranh gây ra để nói với thế giới rằng chiến tranh là tội ác, là nguồn cơn của những nỗi đau khổ cùng cực mà nhân loại phải gánh chịu.
Gần 50 năm trước, nhắc tới Việt Nam, thế giới nghĩ ngay đến vùng đất của chiến tranh, chia cắt, của máu và nước mắt khi phải hứng chịu sự tàn phá của hàng chục triệu tấn bom đạn Mỹ. Dù chiến tranh đã qua 45 năm, nỗi đau ấy đâu dễ nguôi ngoai, bởi những di chứng do chất độc da cam/dioxin vẫn hàng ngày hàng giờ hành hạ cơ thể mấy triệu con người.
Từ nỗi đau mà mình đã trải nghiệm, nhân dân Việt Nam càng khát khao hòa bình. Không chỉ cho mình mà còn cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Bởi chiến tranh là chết chóc. Dù là màu da nào, sinh mạng con người đều đáng trân quý như nhau. Nỗi đau mất chồng mất con, tự cổ chí kim, đâu phân biệt sang hèn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Internet) |
Mùa xuân năm 1943, trong nhà tù phát xít Đức, giữa những ngày ác liệt của Chiến tranh thế giới thứ II, kết thúc tác phẩm nổi tiếng “Viết dưới giá treo cổ”, nhà văn Tiệp Khắc G. Phuxích đã kêu gọi: “Hỡi những con người mà ta hằng yêu thương, hãy cảnh giác!”.
Năm nay, Liên hợp quốc tròn 75 năm hoạt động trong vai trò là trung tâm điều phối của thế giới. Nhưng cũng trong 75 năm ấy, những cuộc tranh giành quyền lợi và hận thù sắc tộc, tôn giáo, phe nhóm không những không bị kiềm chế, mà nhiều lúc, nhiều nơi còn xảy ra nghiêm trọng hơn. Do đó, lời nhắc của G. Phuxích vẫn còn nguyên tính thời sự.
Chảo lửa Trung Đông hay bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông hay Biển Đông, những cuộc mặc cả lợi quyền dễ dẫn đến diễn biến khó lường, có thể nổ ra chiến tranh bất cứ lúc nào nếu không có những khối óc tỉnh táo, những trái tim hướng thiện của cộng đồng cũng như tinh thần đối thoại, hợp tác, giải quyết tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Để ngăn chặn hiểm họa chiến tranh, ngoài vai trò trung tâm điều phối của Liên hợp quốc, mỗi quốc gia dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu hãy thể hiện trách nhiệm của mình, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; đặt con người ở trung tâm của mọi nỗ lực phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau. Trong đó, các nước lớn cần thể hiện vai trò quan trọng trong việc kiến tạo hòa bình.
Cũng 75 năm qua, nhân loại đã đạt những thành tựu nhảy vọt về khoa học-kỹ thuật, nhưng tiếc thay, thế giới vẫn còn hơn một tỷ người phải sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Hàng trăm triệu phụ nữ, trẻ em, người già ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ốm đau không được thuốc thang, trẻ em đến tuổi không được đến trường, bị bóc lột lao động, bị lạm dụng tình dục... Nạn phá rừng, khí thải nhà kính, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt đang làm trái đất nóng thêm, nước biển dâng lên, thiên tai, dịch bệnh hoành hành...
Những đại họa đó làm cho các nước nghèo càng thêm khốn khó, là thách thức của các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Chưa kể 80% tài sản toàn cầu lại nằm trong tay chỉ 1% dân số giàu nhất thế giới (Reuters dẫn báo cáo ngày 21-1-2017 từ Oxfam-tổ chức quốc tế chống đói nghèo và bất công).
Việt Nam đã thoát ra khỏi nhóm các nước chậm phát triển, từng bước tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và kiến tạo hòa bình do Liên hợp quốc khởi xướng. Đó là trách nhiệm, là sự tri ân của dân tộc trước những tình cảm mà bạn bè quốc tế đã từng dành cho, giúp chúng ta vượt qua chiến tranh, nghèo đói.
Bằng nỗ lực của mình và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, từng bước phục hồi đà tăng trưởng. Một lần nữa, tư tưởng “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của cha ông ta được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi đến bạn bè quốc tế thông qua diễn đàn Liên hợp quốc như một thông điệp hòa bình, kêu gọi mọi người cùng hướng đến một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo, một hành tinh xanh mát màu xanh của hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
ĐÌNH CƯƠNG