Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

“Thức dậy miệng mỉm cười”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Mỗi ngày, chúng ta phải đối diện với nhiều nỗi lo toan nên thường quên mất một phép nhiệm màu: mỉm cười. Nụ cười giúp ta có thêm sức mạnh để thư thái bắt đầu một ngày mới, chấp nhận những điều bất như ý có thể xảy ra bằng sự trân trọng, yêu thương tất cả những gì mình đang có.

1. Những ngày này, từ một góc quán nhỏ ngồi nhìn ra mênh mông núi đồi, tâm trí tôi tràn ngập hình bóng thân thương của người bạn vừa qua đời. Thấy lại tuổi học trò bên nhau, thấy mình đang hít thở gió trời, nhấp ngụm cà phê thay cho bạn.

Ai đó đã cảnh báo: Đến một lúc, cuộc sống sẽ bắt đầu làm phép trừ với bạn. Nó lấy đi sức khỏe,lấy đi một vài người bạn. Rồi một ngày, chính ta cũng sẽ rời bỏ thế cuộc. Một tất yếu thôi, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng.

Cái chết là điều đáng sợ nhất mà hầu như không một người bình thường nào muốn đối mặt, bởi có ai được biết hành trình sau đó là gì? Sự bất khả tri khiến ta sợ hãi. Hơn nữa, ngày thường con người ta có quá nhiều điều để nắm níu, không dễ để buông xuống: sự nghiệp, gia đình, con cái, của cải…

Ngay cả khi chuyện sinh tử chưa dày vò thì nhiều người trong chúng ta cũng thường mệt mỏi do phải đeo mang những gánh nặng đến từ áp lực công việc, mưu sinh, đổ vỡ tình cảm, chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái… Liệu có dễ để nở một nụ cười mỗi sớm mai, như thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gửi gắm trong bài thơ 4 câu: “Thức dậy miệng mỉm cười/Hăm bốn giờ tinh khôi/Xin nguyện sống trọn vẹn/Mắt thương nhìn cuộc đời”.

Nụ cười giúp ta có thêm sức mạnh để chấp nhận những điều bất như ý có thể xảy ra bằng sự trân trọng, yêu thương tất cả những gì mình đang có. Ảnh: Internet

Nụ cười giúp ta có thêm sức mạnh để chấp nhận những điều bất như ý có thể xảy ra bằng sự trân trọng, yêu thương tất cả những gì mình đang có. Ảnh: Internet

2. Tình cờ mà tôi biết đến tác phẩm “Gửi Asuka và đứa con chưa chào đời của bố”. Tác giả của cuốn sách đã được chuyển thể thành phim này là bác sĩ nội khoa Kazukiyo Imura (Nhật Bản). Tháng 11-1977, bác sĩ Kazukiyo phát hiện ra khối u ở đầu gối nên đã quyết định cắt bỏ chân phải. Ông can trường luyện tập để 6 tháng sau đó quay lại bệnh viện làm việc, bởi ông biết rằng không ai hiểu người bệnh hơn một bác sĩ cũng đang bị căn bệnh giống họ. Nhưng thật nghiệt ngã, đến cuối tháng 8-1978, Kazukiyo thấy đau ngực và phát hiện ra tế bào ung thư đã di căn lên phổi. Tuy vậy, ông vẫn kiên trì điều trị và gắng gượng làm việc đến tháng 12-1978. Tháng 1-1979, ông ra đi ở tuổi 32 sau hành trình chiến đấu không khoan nhượng với bệnh tật.

Từ thời khắc biết ung thư đã di căn, Kazukiyo quyết định viết cuốn sách để tặng con của mình là Asuka, 2 tuổi và đứa con thứ hai đang trong bụng mẹ. Ông cũng viết cho vợ, cha mẹ, bạn bè đồng nghiệp, bệnh nhân…Dù mỗi hơi thở cũng làm ông đau đớn đến mức phải bật ra tiếng rên, dù tim như tan vỡ khi nghĩ đến ngày phải xa 2 đứa con bé bỏng nhưng Kazukiyo vẫn viết: “Điều kỳ lạ là trong những ngày tháng sau khi biết ung thư di căn, tâm bố rất bình lặng. Và rồi bố cảm thấy mỗi ngày đều trở nên đầy đủ hơn (...). Bố chẩn đoán sơ bộ rằng mình còn đi làm được thêm 2 tháng và sống được thêm 6 tháng nữa. Tuy nhiên thực tế, bố đã có thể tiếp tục làm việc tại khoa nội bệnh viện trong suốt 4 tháng”.

3. Tôi hình dung bác sĩ Kazukiyo đã mỉm cười khi viết những dòng như thế. Cuốn sách không mang đến cảm giác tuyệt vọng bởi khi đối diện với cái chết đang đến gần, ông vẫn luôn mang lòng biết ơn đối với cuộc sống, với những người đã giúp đỡ, yêu thương mình trong cuộc đời ngắn ngủi.

Bài thơ “Những điều đương nhiên” ông gửi lại cho con cũng là lời nhắn nhủ về việc hãy yêu lấy bao điều bình dị. “Khi có cha/Có mẹ/Có hai tay, hai chân/Có thể tự do tới nơi nào mình mong muốn/Với tay ra là lấy được mọi thứ/Có thể nghe, có thể nói/Lại còn chi hạnh phúc đến nhường này/Vậy mà chẳng ai vui mừng vì chúng cả/Họ cười xòa rồi bảo “là đương nhiên”/Ăn được cơm/Đêm về ngủ say, rồi sớm mai lại tới/Hít một hơi căng tràn lá phổi/Có thể cười, có thể khóc, có thể thét gào/Có thể chạy quanh/Là lẽ đương nhiên đối với mọi người/Tất cả đều chẳng sướng vui vì những điều tuyệt vời ấy/Chỉ những ai đã đánh mất mới biết quý yêu…”.

Sống cuộc đời bình thường đã là hạnh phúc. Ảnh: Internet

Sống cuộc đời bình thường đã là hạnh phúc. Ảnh: Internet

Quả vậy, sống cuộc đời bình thường đã là một dạng thức của hạnh phúc. Chính đại dịch Covid-19 xảy ra vài năm trước là “phép thử” lớn nhất, xác tín một lần nữa những giá trị chân thật của đời sống. Khi đủ yêu thương, ta sẽ nhận ra vô số điều kiện hạnh phúc mà mình đang có ngay trong giây phút hiện tại: hơi thở, ngày mới, hoa rộ, nắng tươi… Bằng “mắt thương nhìn cuộc đời”, ta sẽ biết cách sống trọn vẹn từng ngày, lựa chọn mỉm cười thay vì oán thán trước những được-mất. Hãy hình dung tâm hồn mỗi người cũng như một khu vườn. Người làm vườn giỏi là người biết tưới tắm để cho những cây ngọt trái lành lớn dần lên trong khu vườn ấy.

Có thể bạn quan tâm