Thời sự - Bình luận

Thương mại Việt - Mỹ nhìn từ dự phóng tiềm năng TPHCM

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tìm hiểu về những dự phóng và thách thức trong thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là từ TPHCM.

Trong phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai diễn ra sáng 22-9 ở trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài phát biểu của mình đã đưa ra đề nghị “tăng cường đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu y học, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các giải pháp để phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh “Thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người”.

Tròn 1 năm kể từ khi Việt Nam - Hoa Kỳ trở thành là Đối tác Chiến lược toàn diện, Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ. Trong đà sụt giảm chung của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ nội thất, giày dép, quần áo... thì trong tốp 15 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng trưởng dương lại là các ngành như máy móc, thiết bị quang học, đo lường y tế; máy xử lý dữ liệu tự động, mã hóa... Điều này lý giải phần nào cho những dự phóng tiềm năng mà các “ông lớn” công nghệ Hoa Kỳ đã và đang hướng đến Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng.

Một thống kê khả quan trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa TPHCM và Hoa Kỳ đã phục hồi, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 6,76 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt 5,06 tỷ, tăng 35,9% và kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 1,7 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp công nghệ từ Hoa Kỳ đã đến TPHCM và nhiều tỉnh, thành khảo sát việc đầu tư, mở rộng đầu tư...

Tuy nhiên, trên bình diện chung, cả ở tầm quốc gia và địa phương thì Việt Nam - TPHCM cần đặc biệt lưu tâm đến giải pháp căn cơ, bền vững với vấn đề thâm hụt thương mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy thương mại công bằng mà Hoa Kỳ đang chuyển hướng ngày một cứng rắn với các nước đối tác, trong đó có chúng ta - một trong số 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.

Ngay cả trong lĩnh vực hợp tác mới là công nghệ bán dẫn thì vẫn có một độ vênh nhất định so với định hướng của Hoa Kỳ. Cụ thể, Hoa Kỳ mạnh về hoạt động nghiên cứu và thiết kế về bán dẫn; Việt Nam lại có lợi thế về lắp ráp và kiểm thử bán dẫn. Chính sự thiếu kết nối trên đã khiến nhiều nhà đầu tư bán dẫn Hoa Kỳ không chọn Việt Nam là địa điểm đặt nhà máy. Đó là chưa kể sự liên kết giữa các đại học Việt Nam với các cơ sở đào tạo nước ngoài về lĩnh vực bán dẫn vẫn còn hạn chế (việc này chúng ta nên nghiên cứu thêm kinh nghiệm của lãnh thổ Đài Loan và Nhật Bản). Khung pháp lý liên quan đến vấn đề bản địa hóa dữ liệu hay thúc đẩy phát triển ngành năng lượng xanh, năng lượng sạch của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng, thiếu hoàn thiện.

Do đó, các nỗ lực hành động dưới quan điểm nhất quán, mạnh mẽ và nhân văn của Việt Nam cần tính đến cả chính sách quản lý rủi ro toàn diện với Hoa Kỳ, nhất là trong thương mại song phương. Việt Nam cần tăng cường kết nối với chính quyền cấp bang tại Hoa Kỳ, đồng thời có chính sách phát triển và quản trị đầu tư trong nội địa hiệu quả; tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong hoạt động hải quan, cấp giấy phép hoạt động, vấn đề giao đất, cho thuê đất, thủ tục xây dựng triển khai dự án đầu tư; dỡ bỏ các rào cản về hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nhất là vấn đề kết nối với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

Theo NGUYỄN QUÂN CÁT (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm