Nhiều phi công ở Mỹ không được hướng dẫn đầy đủ về các tính năng mới của Boeing 737 Max, gồm cả hệ thống chống chết máy và phải tự tìm hiểu máy bay này với sự trợ giúp của... iPad.
Hai tai nạn lớn xảy ra trong vòng chưa đầy 5 tháng, làm tổng số 346 người thiệt mạng, đã làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của dòng máy bay mới của Boeing là 737 Max. Dường như các phi công không được luyện tập lái máy bay này trên các thiết bị mô phỏng, vì nhà chức trách hàng không lẫn công ty Boeing đều cho rằng không cần thiết, New York Times đưa tin.
Công đoàn phi công của Hãng hàng không Southwest Airlines và American Airlines được cho là đã liên tục yêu cầu Boeing cung cấp mô hình bay thử cho loại máy bay Max. Tuy nhiên, nhà sản xuất và Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ quyết định các phi công không cần luyện tập thêm trên mô hình vì đã có kinh nghiệm lái máy bay Boeing.
Dường như phần mềm mô phỏng việc điều khiển Boeing 737 Max được đưa ra ngay trước khi máy bay được xuất xưởng.
"Họ lắp ráp máy bay và vẫn đang thiết kế nó. Dữ liệu để thiết lập mô hình bay thử không được công bố cho tới khi máy bay đã sẵn sàng cất cánh", Greg Bowen - người đứng đầu Hiệp hội Phi công Southwest Airlines cho biết.
New York Times đưa tin, một nhóm phi công nghiên cứu mẫu máy bay mới này mà không bay thực tế, đã soạn thảo một tài liệu hướng dẫn dày 13 trang nêu rõ các điểm khác biệt giữa Boeing 737 Max và những loại tiền nhiệm. Tuy nhiên, tài liệu không đề cập tới phần mềm chống chết máy - điểm trọng tâm của cuộc điều tra đang diễn ra về vụ máy bay rơi ở Ethiopia và Indonesia.
Thông thường, các phi công thường được rèn luyện nhiều giờ trên các thiết bị bay mô phỏng đắt tiền, vồn bắt chước chuyến bay thực và hướng dẫn sử dụng các tính năng mới.
Sau khi máy bay của Lion Air gặp nạn vào tháng 10 năm ngoái, giới chức Boeing đã cam kết sửa phần mềm trong vài tuần, song vẫn cho rằng các phi công không cần được huấn luyện thêm.
Hiện, các máy bay Boeing Max, bắt đầu đưa vào sử dụng hồi tháng 5/2017, đang bị cấm bay toàn cầu để chờ kết quả điều tra về vụ máy bay Ethiopia rơi, làm 157 người chết.
Các hộp đen được phân tích ở Pháp, nhưng cơ quan hàng không Mỹ đã xác nhận có những điểm tương đồng với vụ máy bay Lion Air gặp nạn. Trong cả hai trường hợp, máy bay bổ nhào ngay sau khi cất cánh. Các chuyên gia nghi ngờ thảm kịch xuất phát từ việc các bộ cảm biến đọc sai thông tin, khiến hệ thống lái tự động chúc đầu máy bay xuống.
Hoài Linh (Vietnamnet)