Thời sự - Bình luận

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bối cảnh đó đặt ra cho nhà quản lý cần phải hành động ngay với những giải pháp đồng bộ.

Cách đây hơn 15 năm, chính quyền TP.HCM đã đánh giá được rủi ro do rủi ro tai biến thiên tai dạng này khi bắt đầu ứng dụng kỹ thuật InSAR xác định tình trạng sụt lún đất. Đến nay TP.HCM đã có bức tranh đầy đủ về tình trạng sụt lún đất và ảnh hưởng của nó kết hợp với triều cường và mực nước biển dâng đến sự phát triển bền vững của TP.HCM. TP đã có một số quyết sách đã ngăn đà sụt lún, điển hình như việc hạn chế khai thác nước ngầm từ năm 2018 giúp mực nước ngầm được khôi phục. Các giải pháp công trình dường như chỉ giải quyết được nhu cầu trước mắt, và dễ trở nên lạc hậu sau chu kỳ 10 - 20 năm. Do vậy, TP.HCM cần có tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn, mà khởi đầu từ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đang trình Thủ tướng phê duyệt.

Từ quy hoạch chung và sắp tới là quy hoạch phân khu chức năng cần chú trọng đến yếu tố ứng phó với sụt lún, ngập lụt để phát triển bền vững. Các quy hoạch phân khu chức năng cần lưu ý đến đặc điểm, điều kiện tự nhiên của TP.HCM là vùng đất hợp lưu của các con sông, nền địa chất yếu. Trong phát triển đô thị thời gian tới, muốn bền vững phải lưu ý địa hình, tham khảo quy hoạch mà người Pháp đã thể hiện rất rõ, phân vùng các vùng đô thị hơn 100 năm trước, giãn dân bớt ra các thành phố vệ tinh. Những khu vực dễ tổn thương cần hạn chế xây dựng nhà cao tầng.

Hạ tầng đô thị xanh là từ khóa đáng lưu tâm trong các giải pháp quy hoạch và công trình trong thời gian sắp tới. Các dự án dù lớn, dù nhỏ cần tăng cường mảng xanh để thu hồi nước mưa nhằm bổ sung cho nguồn nước ngầm, kéo giảm sụt lún. Bên cạnh đó, TP.HCM cần sớm xây dựng hệ thống mô phỏng, dự báo hiện tượng sụt lún đất tích hợp với dữ liệu địa hình, địa chất, thủy văn, mô hình thủy lực… để xây dựng kịch bản ứng phó với triều cường, sụt lún, nước biển dâng và các tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra.

Điểm mấu chốt để phát triển bền vững thích ứng với những rủi ro thiên tai trên là TP.HCM cần những cơ chế đặc thù trong việc quy hoạch và phát triển đô thị xanh và bền vững. Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là chưa đủ, khi những tiêu chuẩn đô thị, thiết kế công trình hạ tầng kỹ thuật, cơ chế đầu tư vẫn phải tuân thủ theo quy định chung nhưng không phù hợp với đặc thù TP.HCM, khiến những giải pháp đưa ra vẫn còn mang tính tạm bợ, nhất thời.

Về lâu dài, cần có luật đô thị đặc biệt để chủ động, thể chế hóa những tiêu chuẩn áp dụng cho một đô thị có nhiều đặc thù như TP.HCM. Nhìn qua Trung Quốc, 2 đô thị lớn là thủ đô Bắc Kinh và TP.Thượng Hải đều có luật riêng. Ở nước ta, Hà Nội có luật Thủ đô, cho phép HĐND TP.Hà Nội ban hành những nghị quyết mà quy định chung không đáp ứng được. Việc TP.HCM kiên trì đề xuất về một luật đô thị đặc biệt là cách tiếp cận đúng, để thành phố chủ động xây dựng tiêu chuẩn, quy hoạch, phát triển đô thị phù hợp với những đặc thù. Sự quan tâm và ủng hộ của Trung ương về mặt thể chế thích hợp sẽ giúp TP.HCM phát triển một cách bền vững, trở thành đô thị mang tầm quốc tế trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

PGS-TS LÊ TRUNG CHƠN

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững (thuộc Trường ĐH TN-MT TP.HCM)

(Dẫn nguồn TNO)

Có thể bạn quan tâm