Train to Busan: phim zombie 16+ nhiều máu và nước mắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Là phim bom tấn thể loại zombie (xác sống) đầu tiên của Hàn Quốc, Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử) thu hút khán giả nhờ ngôn ngữ điện ảnh giản dị, kỹ xảo ấn tượng, kịch bản tuy không mới nhưng khá nhân văn.
 

Train to Busan có tựa tiếng Việt là Chuyến tàu sinh tử - Ảnh: Next
Train to Busan có tựa tiếng Việt là Chuyến tàu sinh tử - Ảnh: Next


Hợp gu xem phim của khán giả châu Á nhờ nhiều cảnh quay xúc động và đoạn kết được đẩy đến cao trào, Train to Busan đang gây ấn tượng tại các rạp phim châu Á trong tháng 8 này.

Ngày sinh nhật chết chóc

Seok-woo là giám đốc một công ty đầu tư, công việc bận rộn khiến anh mất đi rất nhiều thời gian dành cho gia đình, đến nỗi người vợ phải bỏ về Busan và để đứa con gái nhỏ cho Seok-woo nuôi vì anh có điều kiện hơn.

Trong ngày sinh nhật của Su-an, cô con gái bé bỏng nhưng lầm lì vì thiếu vắng tình thương, Seok-woo quyết tâm bỏ việc để đi tàu với con đến Busan để gặp lại mẹ ruột.

Tuy nhiên, chuyến tàu định mệnh ấy lại ẩn chứa một nạn nhân mang trong mình virus chết người, biến bất kì ai bị thương trở thành xác sống điên cùng tấn công đồng loại.

Sớm nhận ra bất ổn ngay khi tàu chỉ vừa rời ga vài chục phút, Seok-woo vừa bảo vệ Su-an vừa cùng một số hành khách quả cảm chiến đấu quyết liệt để giành lại sự sống và đến được Busan -thành phố phòng ngự thành công bệnh dịch này.

Liệu hai cha con Seok-woo sẽ thoát hiểm thành công?

Nhìn chung, bối cảnh toa tàu và cuộc chiến sống còn dễ khiến người hâm mộ nhớ tới Snowpiercer cũng của Hàn quốc ra đời cách đây ba năm. Tuy nhiên, Train to Busan theo phong cách kinh dị nên có những hình ảnh hóa trang xác sống gây sợ cho khán giả trẻ (phim không dành cho khán giả dưới 16 tuổi).

 

 Đoàn phim Train to Busan ra mắt tại Cannes 2016 - Ảnh: AFP
Đoàn phim Train to Busan ra mắt tại Cannes 2016 - Ảnh: AFP


Xúc động, đáng sợ nhưng chưa hoàn hảo

Việc đặt bối cảnh bó hẹp về không gian (máy bay, tàu lửa, xe bus…) được rất nhiều nhà làm phim Hollywood thực hiện như: Flight, Unstoppable, The Midnight Meat Train và đặc biệt là Howl… nên tình tiết mà Train to Busan đưa ra không quá bất ngờ.

Điểm trừ lớn nhất của phim nằm ở kịch bản vì khá nhiều nhân vật và một số vai phụ được xây dựng hời hợt (như ông chủ một công ty vận chuyển-hành khách trên tàu). Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh chỉ đến từ một vài cuộc điện thoại qua loa giữa Seok-woo và nhân viên công ty (nơi làm các thí nghiệm nào đó gây ra virus này).

Tuy thiếu chiều sâu và độ dầy của kịch bản nhưng bù lại, phim có những phân đoạn “lấy nước mắt” nhờ đánh vào yếu tố tình cảm (bố con, mẹ con, vợ chồng, chị em, người yêu, đồng đội…). Nhân vật chính Seok-woo được nam tài tử Gong Yoo hóa thân rất đạt.

Với thời lượng 118 phút, phim hoàn toàn có thể cắt dựng hoặc đẩy nhanh tình huống thay vì kéo lê thê đôi chỗ không cần thiết, làm mạch phim hơi chậm.

Train to Busan truyền tải được thông điệp về lòng tốt và sự biết ơn. Phim cũng nhắc nhở khéo léo rằng nếu bạn bắt đầu một việc gì thì hãy làm nó tới cùng, cả khi bạn đóng vai người hùng hi sinh cứu mạng người khác, hay chỉ khi bạn hát một bài hát cũng không nên… bỏ giữa chừng. 

 

Một cảnh trong phim - Ảnh: Next
Một cảnh trong phim - Ảnh: Next


Bom tấn châu Á

Train to Busan trở thành phim Hàn Quốc có doanh thu cao nhất năm 2016 với 72,7 triệu USD. Điều này không mấy ngạc nhiên vì khi phim ra mắt tại chương trình Suất chiếu nửa đêm tại Cannes hồi tháng 5, nhiều nhà phê bình dự đoán Train to Busan có thể thắng đậm.

Một điều lý thú là Train to Busan được Yeon Sang-ho, một đạo diễn chưa tới 40 tuổi và chuyên làm phim hoạt hình, dàn dựng. Anh sẽ cho ra mắt phiên bản hoạt hình của Train to Busan với tên Seoul Station trình làng ngày 18-8 tới.

 

Hai cha con Seok-woo và Su-an trong phim -Ảnh: Next
Hai cha con Seok-woo và Su-an trong phim -Ảnh: Next


Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm