Tin tức

Triển vọng chính trị Thái Lan 2015

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dư luận Thái Lan không mấy lạc quan về triển vọng chính trị của nước này trong năm mới 2015.

Một số nhà chính trị và học giả Thái Lan hy vọng Chính quyền Thái Lan sẽ nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn để Thái Lan tiếp tục đà phát triển kinh tế. Chính quyền Thái Lan cũng sẽ cố gắng hoàn thành lộ trình cải cách và soạn thảo Hiến pháp theo đúng thời hạn; đồng thời giảm bớt được các mâu thuẫn chính trị và khôi phục sự hòa giải, đoàn kết dân tộc.
 

Năm 2015 nhiều thách thức với chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-ocha


Để đạt được những mục tiêu quan trọng này, các nhà chính trị và học giả nêu trên cho rằng: Chính quyền Thái Lan phải cầu thị tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nhất là của các chính đảng và phải thông qua trưng cầu ý dân đối với dự thảo Hiến pháp, để đảm bảo các nội dung cải cách và Hiến pháp mới của Thái Lan thực sự dân chủ theo các tiêu chuẩn quốc tế; phản ánh  nguyện vọng và được sự chấp nhận của đa số nhân dân; có tính khả thi trên thực tế và không làm phát sinh những mâu thuẫn chính trị mới.

Chính quyền Thái Lan cũng cần xem xét bãi bỏ thiết quân luật nhằm khôi phục hình ảnh dân chủ của Thái Lan và để cho người dân được tự do bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những ý kiến đóng góp tích cực của họ trên mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, một bộ phận dư luận chính giới và xã hội Thái Lan đã bộc lộ sự lo ngại về tình hình chính trị Thái Lan không mấy khả quan trong năm mới 2015. Họ cho rằng, ban lãnh đạo chính quyền Thái Lan có thể đã "lập trình" các nội dung cải cách và nội dung của dự thảo Hiến pháp theo hướng bảo vệ quyền lực và lợi ích cho một phe phái; đồng thời ngăn chặn không cho đối thủ chính trị có cơ hội trở lại nắm quyền thông qua tổng tuyển cử.

Đó là chưa kể việc Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan ngay từ những ngày đầu năm nay đã có lịch trình tiến hành xem xét bãi nhiệm đối với các cựu quan chức chính trị của phe thân cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra; trong đó có cả cựu Thủ tướng Yingluck và nhiều thành viên của đảng Vì nước Thái; khiến số cựu quan chức này có nguy cơ bị cấm hoạt động chính trị.

Điều này sẽ khiến mâu thuẫn giữa các phe phái của Thái Lan tiếp tục gia tăng và không thể có sự hòa giải, đoàn kết dân tộc.

Từ cuối năm ngoái, dư luận chính giới và xã hội Thái Lan đã tranh luận sôi nổi về các vấn đề cốt yếu của dự thảo Hiến pháp; trong đó khá nhiều ý kiến phản biện những đề xuất quan trọng của Hội đồng cải cách quốc gia và Ủy ban soạn thảo Hiến pháp về thể thức, cơ chế mới của hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Ban lãnh đạo Chính quyền Thái Lan cũng đang dành thời gian cân nhắc, thăm dò dư luận để đưa ra quyết định cuối cùng về những vấn đề nhạy cảm này. Trong khi đó, Chính quyền Thái Lan cũng thừa nhận nhiều nội dung cải cách khó có thể hoàn tất trong năm 2015.

Vì vậy, một số chuyên gia dự báo, lộ trình cải cách ở Thái Lan sẽ bị kéo dài và có thể phải tới giữa năm 2016 thì cuộc tổng tuyển cử mới được tổ chức.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm