Thời sự - Bình luận

Triệt để tiết kiệm, dồn lực cho nhiệm vụ dập dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dòng người đi xe máy từ Bình Dương, TP HCM... về quê bất chấp quy định giãn cách xã hội sẽ tạo ra nguy cơ bùng phát dịch ở nhiều địa phương.

 

Ngày 15.8, tái xuất hiện tình trạng người dân ở các vùng giãn cách phía Nam về quê tự phát bằng xe máy. Ảnh: HĐ
Ngày 15.8, tái xuất hiện tình trạng người dân ở các vùng giãn cách phía Nam về quê tự phát bằng xe máy. Ảnh: HĐ


Ngày 15.8, tái xuất hiện tình trạng hàng nghìn người dân về quê tự phát bằng xe máy, gây ùn tắc tại nhiều tuyến giao thông ở TP HCM, Bình Dương... Việc người dân tự về quê với số lượng lớn tăng nguy cơ bùng phát dịch tại các địa phương, tạo ra áp lực lớn cho cơ sở, gây khó khăn, vất vả, tốn kém và nguy hiểm cho người dân.

Nguy cơ nói trên đã thành sự thật. Chiều 15.8, tỉnh Ninh Thuận cho biết trong 2.000 người Ninh Thuận từ Đồng Nai về quê tránh dịch vào ngày 31.7, có tới 400 người bị nhiễm COVID-19.

Tuy nhiên, cần phải có khảo sát để xác định nguyên nhân người dân tự về quê: Do quá khó khăn, không còn tiền, không có lương thực, thực phẩm hoặc các lý do bức bách khác không thể ở lại; hay do tâm lý lo lắng, muốn về quê tránh dịch.

Thiết nghĩ, khi TP.HCM và một số địa phương kéo dài thời gian giãn cách xã hội, khó khăn của người dân sẽ tăng lên. Cần có ngay những chính sách, gói cứu trợ khẩn cấp, đặc biệt và nhanh chóng nhất để bảo đảm mọi người dân vùng dịch được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu; thực hiện tốt khâu phong tỏa, cách ly, giãn cách để dịch không bùng phát.

Bên cạnh chính sách và nguồn lực của trung ương, rất cần sự chung tay tích cực hơn từ các địa phương.

Chống dịch cần nguồn kinh phí rất lớn, không chỉ dập dịch, cứu người mà còn các kế hoạch sau khi dập xong dịch để hỗ trợ sản xuất, phục hồi kinh tế, lo sinh kế cho hàng triệu lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn sau đại dịch.

Thiết nghĩ, nên có chủ trương, cơ chế tạm dừng các dự án đầu tư công chưa thực sự cấp bách, chuyển đổi, dồn nguồn lực tập trung chống dịch.

Hà Tĩnh đã quyết định đầu tư Dự án đường vào Văn Miếu dài 952m với tổng số vốn khoảng 46 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2021. Đây là công trình chưa thực sự cấp bách, nếu chuyển được số tiền đó cho công tác chống dịch, hỗ trợ người dân miền Nam thì có thêm một nguồn lực đáng kể.

Nghệ An đã thông qua dự án Đền thờ Liệt sĩ tỉnh với kinh phí khoảng 80 tỉ, dự án nâng cấp bảo tàng các dân tộc ở huyện Quỳ Châu 20 tỉ. Các dự án này nên tạm dừng, chuyển tiền thực hiện dự án phục vụ phòng chống dịch.

Và nhiều dự án khác nữa, ở các địa phương, chưa thực sự cấp bách đã được phê duyệt hoặc thông qua với nguồn kinh phí rất lớn.

Dịch bệnh hết sức cấp bách đang đe dọa đến toàn dân và tạo ra nguy cơ cho đất nước nếu lan rộng, kéo dài. Vì vậy, mục tiêu dập dịch phải được đặt lên hàng đầu, có thể áp dụng các chính sách, cơ chế đặc biệt cho nhiệm vụ chống dịch.

Dập được dịch, phục hồi kinh tế, dân có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định, ngân sách tất yếu sẽ có nguồn tài chính dồi dào để đầu tư cho các công trình văn hóa, tượng đài, bảo tàng... Lúc này, cần triệt để tiết kiệm, dồn toàn lực “diệt giặc COVID-19”.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/triet-de-tiet-kiem-don-luc-cho-nhiem-vu-dap-dich-942276.ldo

Theo QUANG ĐẠI (LĐO)

Có thể bạn quan tâm