Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Triệu năm biển dâng thành núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi sinh ra ở một làng quê ven biển, nhưng lại lớn lên ở miền cao nguyên với đồi núi trập trùng. Không biết có phải do cái gốc gác hình thành con người mình hay không, mà khi chon von trên lưng chừng trời mây, tôi vẫn mường tượng về những chân trời ăm ắp sóng.

Ngồi trước biển, bao la và xanh thẳm, tôi thường thấy mình thật bé nhỏ. Không hẳn là cảm giác đối lập về hình dáng, mà có lẽ, đó là sự đối lập trong tâm tưởng, trước một thế giới quá rộng lớn và đầy bí ẩn. Hơn 2/3 diện tích trên bề mặt trái đất này là biển. Nếu không có biển, chắc chắn thế giới sẽ nhỏ bé và chật chội đi nhiều phần. Không có biển, thế giới hẳn sẽ vắng khuyết đi vô vàn những câu chuyện liên quan đến biển. Mà lạ thay, tôi thường thấy những câu chuyện liên quan đến biển là lãng mạn, đẹp và buồn.

Tôi từng nghĩ về cái kết trong truyền thuyết trăm trứng. Nhân duyên khiến cho cha Rồng và mẹ Tiên, người ở miền nước thẳm lại nên duyên với kẻ mãi chốn non cao. Và cuối cùng, tập quán ngấm sâu trong hồn cốt khiến họ mỗi người đưa con về một ngả, thành một cuộc chia ly buồn bã ngay tự thuở hồng hoang. Cái thuở mà mặt đất thậm chí chưa từng in dấu chân người ấy, tôi đã hình dung người cha đem con đi về hướng biển như thế nào trên đôi chân mình.

Bằng trí tưởng tượng không giới hạn, loài người lúc ấy hoặc là có thêm đôi cánh hoặc là đầy phép thần thông. Họ hô phong hoán vũ, đi lại trong chớp mắt và giải quyết những việc khó khăn chỉ bằng một cái vẫy tay. Người cha trong truyền thuyết cùng những người con của mình đi về biển có lẽ cũng bằng những phép thần thông, chỉ trong chớp mắt như vậy.

Nhưng rồi, một ngày nọ, tôi đã òa lên khi biết được rằng, thuở xa xưa, biển đã từng rộng lớn hơn gấp nhiều lần ngày nay, thậm chí những dải núi rất cao, xa xưa ấy đã từng là biển.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Chúng tôi dừng chân trên một đỉnh đèo có độ cao hơn 700 m so với mực nước biển. Ngay chỗ cao nhất của con đèo được đặt một tấm pa nô vẽ những sinh vật biển rất sống động cùng với dòng chữ “Đèo Mã Phục khoảng 260 triệu năm trước”.

Được biết, các chuyên gia địa chất đã nghiên cứu được rằng: Khoảng 260 triệu năm trước, khu vực quanh con đèo có nhiều núi lửa hoạt động ngầm dưới biển, dung nham núi lửa phun trào trong nước biển bị nguội đột ngột tạo thành các cầu gối xếp chồng lên nhau. Một cơn đại địa chấn nào đó đã đẩy chúng lên thành các dãy núi như ngày nay. Các nghiên cứu về địa chất đã chứng minh về cả hình khối và màu sắc của đá ở đây đều liên quan đến sự thay đổi và tiến hóa của trái đất, từ biển thành núi.

Tôi đã liên tưởng ngay đến miền cao nguyên nơi mình đang sống. Các nhà khoa học nhận định rằng, vùng đất Tây Nguyên trước đây cũng đã từng là biển. Việc phát hiện những dấu tích như là minh chứng cho nhận định ấy đã củng cố thêm cơ sở để tin vào sự tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên. Dẫu cho điều ấy mãi là bí ẩn, bởi chúng ta không thể nào trở về quá khứ để có thể tận mắt chứng kiến, nhưng niềm tin đôi khi khiến con người được sống thêm những trạng cảm, làm đầy đặn thêm đời sống của mình.

Biển đã lùi xuống một tầng thẳm sâu nào đó, nhưng vẫn để lại cho cao nguyên những con sông con suối, những ghềnh thác len lỏi uốn mình qua đá núi vực sâu. Nhờ vậy mà những người luôn khát khao sóng nước như tôi, ngồi nhìn mặt hồ lao xao trong nắng mai, khi mặt trời vừa ló rạng sau dãy núi, lòng đã như nghe thấy ngàn vạn lớp sóng nối nhau lớp lớp từ xa tít tận chân mây.

Một ngày, tôi lại về với biển. Từ xa đã nghe trong gió vị mặn mòi thân thuộc. Người làng chài nước da nâu giòn khỏe khoắn, nụ cười nhân hậu như ngàn đời chắt ra từ vị mặn biển khơi.

Cảng cá buổi sớm vẫn náo nhiệt cảnh bán mua thường nhật. Biển khơi chứa đầy bí ẩn, cả giông tố cũng chất chứa đầy rẫy những hiểm nguy. Nhưng rồi lòng biển khơi rộng lớn, từ thuở hồng hoang đã đón những đứa con theo cha về nương náu, lập xóm lập làng, làm nên một phần quê hương đất mẹ.

Bình minh ngàn đời luôn bắt đầu từ phía biển. Lúc giông bão, khi yên bình, biển khiến bao người mê đắm khát khao. Thi ca, nhạc họa ra đời từ cảm hứng về biển không thể nào đếm xuể, bởi đó luôn là những cảm hứng tươi nguyên mỗi lần chạm mình vào hương gió mặn mòi, ngồi lặng nhìn và nghe âm thanh của sóng nối nhau lớp lớp lăn mình vỡ òa trên mặt cát. Rồi triệu triệu năm sau, chân mây xa thẳm trước mắt tôi kia có thành dãy núi treo lơ lửng một mặt trời?

Tôi bắt đầu những ký tự của riêng mình “Ngàn năm sau đá sẽ mòn/Triệu năm sau biển dâng thành núi/Bao nhiêu năm sau loài người vẫn yêu nhau”.

Có thể bạn quan tâm