Trụ trì chùa Phước Sơn gieo mầm hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài gương mẫu trong việc tu tập, Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Tâm-Trụ trì chùa Phước Sơn (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) còn âm thầm gieo mầm hạnh phúc và viết nên những câu chuyện đẹp lay động lòng người.

Thiện nguyện từ tâm

Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Tâm chia sẻ: Thực hiện lời dạy của Bác sống “tốt đời-đẹp đạo” và học theo điều Phật dạy phải biết yêu thương, giúp đỡ người trong cơn hoạn nạn, thời gian qua, chùa Phước Sơn đã trở thành nơi gieo mầm yêu thương cho những mảnh đời khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2021 đến nay, chùa Phước Sơn đã hỗ trợ trên 10 tấn lương thực, thực phẩm; hơn 2.000 suất quà trị giá 300-500 ngàn đồng/suất cho người dân và các lực lượng tham gia phòng-chống dịch Covid-19, các gia đình khó khăn trên địa bàn; xây tặng 1 căn nhà tình nghĩa trị giá 70 triệu đồng.

“Đến nay, tôi đã có hơn 15 năm gắn bó với nơi này. Ước nguyện của tôi là xây dựng ngôi chùa đàng hoàng, khang trang, hành thiện để giúp những người dân khó khăn, cơ nhỡ. Những năm đầu khi chuyển từ Đồng Nai về đây, tôi tranh thủ khai hoang đất, trồng được 3 ha lúa, bắp, ổi, mì, gừng. Sau đó, kết hợp trồng cà phê, sầu riêng theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Những sản phẩm làm ra, những món quà của phật tử đến cúng dường, tôi đều dành dụm để làm từ thiện. Cùng với đó, tôi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ người nghèo”-Ni trưởng Tịnh Tâm kể.

Đại diện nhà chùa trao quà cho các hộ dân nghèo. Ảnh: Lê Quang Hồi

Là một trong những gia đình được Ni trưởng Tịnh Tâm kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, anh Lê Văn Hiếu (làng Ia Sik, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) cho hay: “Gia đình tôi kinh tế khó khăn, nhà cửa xập xệ, con cái đau ốm. Có một ngôi nhà xây khang trang để ở là ước mơ của vợ chồng tôi. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, Ni trưởng Tịnh Tâm không chỉ động viên, tặng quà mà còn kêu gọi các nhà hảo tâm giúp kinh phí xây dựng nhà cho gia đình. Tôi rất biết ơn”. Còn bà Rơ Châm H’Lưl (làng Bàng, xã Ia Nhin) thì cho hay: Đây là lần thứ 3, tôi và dân làng nhận được quà của Ni trưởng Tịnh Tâm. Gia đình nào khó khăn, nhà nào có người ốm đau nặng, Ni trưởng Tịnh Tâm cũng đến thăm hỏi, động viên và tặng quà. Lòng tốt của bà đã thể hiện bằng những hành động cụ thể để giúp đời, giúp người.

Tấm lòng người mẹ

Với tâm niệm “hạnh phúc là được sẻ chia”, từ năm 2012 đến nay, Ni trưởng Tịnh Tâm đã tiếp nhận và nuôi dưỡng 10 cháu nhỏ và 1 người phụ nữ bệnh tật (trong đó có 3 cháu bị di chứng chất độc da cam/dioxin, thiểu năng trí tuệ, các cháu còn lại thì mồ côi, cơ nhỡ).

Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Loan (làng Ia Sik) ôm chặt con gái Lê Thị Kim Phụng vào lòng và xúc động bày tỏ: “Cháu Phụng đã gần 2 tuổi rồi. Nếu ngày ấy không gặp Ni trưởng Tịnh Tâm thì...”. Chị Loan bỏ lửng câu nói, im lặng một lúc rồi kể tiếp: Cuối tháng 11-2020, khi biết mình có thai, chị đi siêu âm, bác sĩ kết luận thai nhi có khả năng sinh ra bị bệnh down. Bao đêm trôi qua là bấy nhiêu đêm chị thức trắng cùng với những giọt nước mắt lăn dài. Khi chưa tìm ra cách giải quyết thì nhiều người khuyên “nên buông bỏ” càng làm cho chị hoang mang hơn. Biết tin, Ni trưởng Tịnh Tâm đến thăm, động viên và khuyên chị Loan nên giữ lại thai nhi, cùng với lời cam kết: “Khi sinh cháu ra dù bệnh hay không thì Ni trưởng cũng nhận về nuôi và cho cháu học hành đến nơi đến chốn”. Trước và sau khi sinh 6 tháng, bà còn hỗ trợ gia đình chị Loan 30 kg gạo/tháng.

Cháu Lê Thị Kim Phụng trong vòng tay của Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Tâm và mẹ. Ảnh: Lê Quang Hồi

Câu chuyện của chúng tôi bị đứt quãng bởi tiếng khóc của cháu Phan Thị Bảo Yến (tên do Ni trưởng Tịnh Tâm đặt). Vừa nựng con, Ni trưởng Tịnh Tâm vừa kể: “Đêm 25-7-2014, khi cháu vừa chào đời tại Bệnh viện huyện Chư Păh thì đã bị mẹ bỏ lại. Biết tin, tôi đến bảo lãnh, đưa cháu về nuôi. Nay Yến đã gần 9 tuổi nhưng vẫn thường giật mình rồi khóc. Mỗi lần cháu khóc, mỗi lần cháu quờ tay như tìm mẹ trong đêm là tim tôi lại đau nhói”.

Nếu buổi sáng mùa đông năm 2012, Ni trưởng Tịnh Tâm không dậy sớm để chuẩn bị cơm nước cho đàn con thì chắc bé Phan Thị Bảo Ngọc sẽ không có mặt trên đời này. Bà kể lại: Hôm ấy, vừa mở cánh cửa chùa, bỗng sư nghe tiếng trẻ nấc nghẹn yếu ớt. Nhìn quanh thì thấy lẫn trong chiếc áo cũ cuộn tròn đặt trước tiền sảnh nhà chùa là một đứa bé còn đỏ hỏn, bị kiến bu quanh mình. Thấy thế, bà nhanh chóng đưa bé vào trong, cởi tã, rũ hết đàn kiến, pha sữa cho bé ăn và lấy nước ấm lau rửa cho bé. 30 phút, rồi 1 giờ, 2 giờ trôi qua, bé mới cựa quậy. Hơn 6 tháng sau, bà tất tả đưa Ngọc đi từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh để chữa bệnh.

Ni trưởng Tịnh Tâm chia sẻ thêm, để nuôi con, trước hết phải tập làm mẹ, từ chăm bẵm, bế bồng đến cho ăn, cho ngủ. Nhiều lúc ôm đứa trẻ mới sinh đói sữa khóc ngặt nghẽo tới tím tái thịt da, lòng bà lại quặn thắt. Những lúc như thế, bà chỉ biết ngoảnh đi lau nước mắt, rồi tự động viên mình vươn lên, vì tương lai của 10 đứa con. Ni trưởng bộc bạch: “Nuôi dưỡng các con, tôi thấy đời mình ý nghĩa hơn. Ngày nối ngày, đêm nối đêm, tôi buồn vui theo tiếng khóc, nụ cười và sức khỏe của con. Khó khăn nhất là những đêm con cái bất chợt đau ốm, một mình tôi lặng lẽ đưa con đến bệnh viện. Hoặc như Yến, Vi, Ngọc... bệnh nặng, nhiều lần phải đưa vào TP. Hồ Chí Minh để điều trị dài ngày. Những lúc đó, nhiều người nhìn tôi với ánh mắt ái ngại, thương cảm. Nhưng cũng có người không hiểu lại nhìn mình với ánh mắt soi mói, rồi sỗ sàng hỏi: “Sao ni cô lại có con?”. Những lúc ấy, tôi thường chỉ cười trừ. Giờ các cháu cũng đã lớn khôn hơn, đỡ ốm vặt, học tập tốt, cây trái trong vườn thu hoạch cũng khá nhiều, tôi đã phần nào thực hiện được ý nguyện của mình. Thế là hạnh phúc lắm rồi”.

Có thể bạn quan tâm