Tin tức

Trung Quốc chỉ tăng ngân sách quốc phòng vì tính đến 'các kịch bản xấu nhất'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bất chấp kinh tế khó khăn buộc phải cắt giảm chi tiêu công ở nhiều lĩnh vực, Bắc Kinh chỉ duy trì tăng ngân sách cho quân đội với lời giải thích 'Trung Quốc đang đối mặt với các mối đe doạ thực sự'.
 
Sơn Đông là tàu sân bay tự đóng nội địa đầu tiên của Trung Quốc - Ảnh: AFP
Tuần trước, khi Trung Quốc công bố tăng ngân sách quốc phòng 6,6% nhưng lại cắt giảm nhiều lĩnh vực khác do kinh tế gặp khó, các nhà phân tích nhận xét điều này thể hiện rõ Bắc Kinh đang cảm nhận mối nguy an ninh ngày càng lớn.
Tân Hoa Xã đưa tin đi kèm với khoản tăng hàng tỉ đôla, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo Quân Giải phóng nhân dân (PLA) "phải nghĩ đến những kịch bản xấu nhất, tăng cường huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu... bảo vệ tuyệt đối chủ quyền quốc gia, các lợi ích an ninh và phát triển".
Đài CNN nhận định gói quốc phòng của Trung Quốc sẽ ít gây sự chú ý hơn nếu nước này hiện không trải qua cú sốc kinh tế lớn nhất trong vài chục năm trở lại đây. 
Năm 2020 đánh dấu lần đầu tiên Bắc Kinh không dám xác lập mục tiêu tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Thật ra PLA không phải không "đau", mức tăng ngân sách 6,6% là thấp nhất trong nhiều thập niên, nhưng "nỗi đau" này không là gì so với các lĩnh vực chi tiêu công khác của Chính phủ Trung Quốc.
Ví dụ, ngân sách dành cho các dịch vụ hành chính công bị giảm 13,3%, quan hệ đối ngoại giảm 11,8%, giáo dục giảm 7,5%, khoa học và công nghệ giảm 9,1%...
"Các đề xuất ngân sách gợi ý rằng Bắc Kinh đang cảm thấy bất an trong tư thế bị bao vây. Nó phản ánh một nỗi lo lớn về căng thẳng với Mỹ, về một hi vọng ngày càng phai nhạt trong việc tái thống nhất với Đài Loan trong hoà bình.
Ngoài ra, Bắc Kinh cần tăng cường an ninh để kiểm soát nhiều rối ren trong nước, từ bất ổn chính trị ở Hong Kong, các tỉnh phía tây, cho đến những hệ luỵ trên cả nước do tình hình thất nghiệp và tăng trưởng suy yếu trong dịch COVID-19", ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu cao cấp của tổ chức học giả RAND Corp. (trụ sở ở Washington, Mỹ), bình luận.
Ông Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, lập luận rằng ngân sách quốc phòng của nước này "phù hợp với thời cuộc".
"Có thể nói thế giới ngày nay không còn hoà bình. An ninh trong nước và những lợi ích hải ngoại của Trung Quốc đang đối mặt với các mối đe doạ thực sự... Do đó nhu cầu tăng chi tiêu quốc phòng đối với Trung Quốc là hợp lý và cần thiết", ông Ngô giải thích bên lề kỳ họp quốc hội Trung Quốc trong tuần này.
 
Quân đội Trung Quốc tập trận ở căn cứ hải ngoại lập tại Djibouti, châu Phi - Ảnh: RT
Thiếu minh bạch
Trong khi Bắc Kinh mô tả ngân sách quốc phòng 2020 của họ là "khiêm tốn nhất trong nhiều năm, chẳng đáng so với chi tiêu của quân đội nước ngoài", các học giả của Viện quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS) cho rằng mức thực chi của Trung Quốc không kém Mỹ là bao, có thể chỉ ít hơn 13%.
Số liệu do IISS công bố hồi tháng 2 ghi nhận Mỹ đã chi tổng cộng 686 tỉ USD cho quốc phòng trong năm 2019, còn Trung Quốc trên giấy tờ là 181 tỉ USD.
Các phân tích chuyên sâu cho thấy sự chênh lệch đó không hợp lý nếu ghi nhận những tiến bộ thần tốc của PLA kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2013.
Có thể kể một số như: Hoàn thành đóng tàu sân bay Sơn Đông và đưa vào hoạt động chỉ trong vài năm; chế tạo tiêm kích tàng hình J-20 (đối thủ của F-22 và F35 của Mỹ), đưa vào sẵn sàng chiến đấu; tăng cường hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo; mở căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti; bồi đắp trái phép, xây một loạt căn cứ quân sự ở Biển Đông...
Tất cả những thứ trên đều cần rất nhiều tiền, nhưng với Trung Quốc thì sự minh bạch là cả một vấn đề.
"Dữ liệu ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh luôn có 3 vấn đề lớn: Thiếu minh bạch, không đầy đủ, và không đáng tin cậy", ông Frederico Bartels - nhà nghiên cứu của tổ chức Heritage Foundation, chỉ ra trong báo cáo đăng trên trang The Strategist của Viện Chính sách chiến lược Úc.
Ông Bartels đi đến kết luận chi tiêu quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc thực tế chỉ lệch nhau chừng 13% sau khi phân tích mọi yếu tố, bao gồm tỉ giá tiền tệ và giá nhân công ở mỗi nước.
Ngay từ đầu, tất cả đều nằm trong kế hoạch hiện đại hoá quân đội của ông Tập Cận Bình, mục tiêu tối thiểu là biến PLA mạnh ngang với lực lượng vũ trang Mỹ ở châu Á.
PHÚC LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm