Tin tức

Trung Quốc chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis về Biển Hoa Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tuyên bố trên xuất hiện sau khi Bộ trưởng Quốc phòng của chính quyền Mỹ Donald Trump khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản, kể cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis (phải) và người đồng cấp Nhật Bản Inada duyệt đội danh dự tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis (phải) và người đồng cấp Nhật Bản Inada duyệt đội danh dự tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Lục Khảng vào hôm 4-2 kêu gọi Mỹ tránh thảo luận vấn đề này. Ông Lục tái khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo không có dân cư nói trên.

Một thông cáo trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích dẫn lời ông Lục như sau: Hiệp ước Mỹ-Nhật 1960 là “một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, và hiệp ước này sẽ không được làm tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ và các quyền hợp pháp của Trung Quốc”.

Ông Lục nói tiếp: “Chúng tôi hối thúc phía Mỹ có thái độ trách nhiệm, ngừng đưa ra các nhận xét sai trái về vấn đề liên quan đến quần đảo Điếu Ngư, và tránh làm phức tạp hóa vấn đề này, gây bất ổn định tình hình khu vực”.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới châu Á trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông Mattis công khai tuyên bố ở Tokyo rằng chính quyền Trump sẽ giữ quan điểm của Mỹ trước đây là Hiệp ước Mỹ-Nhật tiếp tục được áp dụng vào việc bảo vệ quyền của Nhật Bản quản lý quần đảo Senkaku.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc quyền quản lý của Mỹ từ cuối Thế chiến 2 cho tới khi Mỹ trao trả lại cho Nhật Bản vào năm 1972. Trung Quốc đưa ra các “ghi chép lịch sử” để đòi chủ quyền đối với quần đảo này. Phía Nhật vào năm 2012 đã quốc hữu hóa một số hòn đảo trong quần đảo này, làm dấy lên một làn sóng bạo động chống Nhật ở Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cũng bày tỏ sự không hài lòng với nhận xét của Bộ trưởng Mattis vào hôm 4-2 rằng chính quyền Trump cam kết tiếp tục thỏa thuận với chính quyền Seoul về triển khai hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ tới Hàn Quốc trong năm nay.

Bắc Kinh phản đối hệ thống này do lo ngại radar rất mạnh của nó có thể quét sâu vào lãnh thổ đông bắc của Trung Quốc, giúp THAAD thấy được các điều chuyển quân sự của Trung Quốc.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm