Trung Quốc đã điều một tàu hộ vệ có tên lửa dẫn đường, hai máy bay tiêm kích và một máy bay trực thăng ra biển để xua đuổi một tàu chiến Mỹ - tàu USS Chafee - gần khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Tàu chiến Mỹ Chafee. |
Phía Trung Quốc tố Mỹ là làm tổn hại chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc trong khu vực.
Bắc Kinh lên án (phi lý) việc Mỹ điều tàu USS Chafee đi vào vùng 16 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Phía Mỹ thì cho rằng hoạt động hải quân của họ nằm trong khuôn khổ các hoạt động “tự do hàng hải”.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc có đoạn: “Đối mặt với việc các lực lượng Mỹ liên tục khiêu khích, quân đội Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn bị cho tác chiến trên biển và trên không, nâng cao năng lực quốc phòng để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia va lợi ích an ninh”.
Trung Quốc đã phái tàu hộ vệ tên lửa kiểu 054A “Huangshan”, 2 máy bay tiêm kích J-11B và một chiếc trực thăng Z-8 ra biển để nhận diện tàu chiến Mỹ và ép tàu này rời khỏi vùng biển đó.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng sự cố trên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc, và những hoạt động tương tự có thể gây ra những sự cố không mong muốn khác.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hối thúc Mỹ “tôn trọng chủ quyền và an ninh” của nước họ.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức quân sự Mỹ cho biết, tàu khu trục Mỹ đã không đi vào khu vực lãnh hải 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Theo các quan chức này, hoạt động điều tàu USS Chafee nói trên là để thách thức các “tuyên bố thái quá về chủ quyền trên biển” trong khu vực.
(Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Quần đảo bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép - ND).
Trung Hiếu/VOV.VN