Tin tức

Trung Quốc định đáp trả Mỹ nhưng e ngại?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trung Quốc chỉ trích Mỹ khi đe dọa áp thuế quan lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc và dọa đáp trả nhưng liệu Bắc Kinh sẽ làm thật?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/8 tuyên bố  Bắc Kinh không muốn chiến tranh thương mại, nhưng sẽ không ngại phản công nếu Washington áp thêm thuế quan lên hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc.
 
Trung Quốc tuyên bố cứng rắn đối đầu Mỹ nhưng sẽ không dám thực hiện đáp trả tương xứng?
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: "Trung Quốc sẽ phải sử dụng nhiều biện pháp đối phó nếu Mỹ quyết tâm áp thêm thuế với hàng hóa Trung Quốc. Chúng tôi không muốn chiến tranh thương mại, nhưng cũng không ngại đối đầu với Mỹ trong một cuộc chiến như vậy".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi động thái áp thuế mới được ông Trump tuyên bố là "không mang tính xây dựng", cho rằng nó không phải cách làm đúng đắn để giải quyết xung đột kinh tế giữa Bắc Kinh và Washington.
Cùng chung làn sóng chỉ trích Mỹ, Tân phái viên Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ngày 2/8 (giờ Mỹ) mô tả đòn đánh thuế của Trump là "vô trách nhiệm" và cảnh báo Bắc Kinh sẽ đáp trả.
"Quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng. Nếu Mỹ muốn đối thoại thì chúng tôi sẽ đối thoại, nếu họ muốn chiến đấu thì chúng tôi sẽ chiến đấu", Zhang Jun, phái viên Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ngày 2/8 nói.
Zhang Jun mô tả động thái đánh thuế của Tổng thống Mỹ Trump là "hành động phi lý, vô trách nhiệm".
"Chúng tôi chắc chắn sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp đối phó cần thiết nào để bảo vệ quyền cơ bản của mình và chúng tôi cũng kêu gọi Mỹ quay lại đúng hướng trong việc tìm ra giải pháp phù hợp thông qua con đường đúng đắn" - ông Zhang Jun nói thêm.
Bắc Kinh cho rằng, quyết định của ông Donald Trump đồng nghĩa với việc Washington sẽ đánh thuế lên gần như tất cả các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm quần áo, đồ chơi, đồ gia dụng và điện máy.
Các sản phẩm khác dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định này bao gồm đồ nội thất, thiết bị thể thao, hoa, trái cây và rau củ, gia vị, rượu và hàng tạp hóa như sữa bột trẻ em, tã, sách, máy khâu, túi xách, lịch, kính áp tròng, vv…
Tổng biên tập Hu Xijin của tờ Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) khẳng định, Mỹ sẽ không đạt được ý định bằng việc đánh thuế.
"Thuế nhập khẩu mới không đưa thỏa thuận mà Mỹ muốn lại gần hơn, mà chỉ đẩy ra xa hơn. Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ không còn ưu tiên kiểm soát quy mô chiến tranh thương mại mà sẽ tập trung vào chiến lược quốc gia trong một cuộc thương chiến lâu dài" - ông Hu cho biết.
Hôm 1/8, sau khi phái đoàn thương mại Mỹ kết thúc cuộc làm việc tại Thượng Hải, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ tiếp tục đánh thuế Trung Quốc cho đến khi đạt được một thỏa thuận, và tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 10% thuế lên thêm 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ 1/9 tới.
Trong một loạt các dòng tweet, ông Trump giải thích rằng quyết định này bắt nguồn từ việc Trung Quốc đã tái đàm phán một thỏa thuận có nội dung từ 3 tháng trước và đáng lẽ ra đã được ký kết.
Dù Trung Quốc phản ứng rất mạnh mẽ về các biện pháp thuế quan của Mỹ, giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh khó mà áp đặt biện pháp đáp trả tương đương với Washington.
Nhà kinh tế Tom Orlik và Carl Riccadonna cho rằng nếu "các dòng tweet của ông Trump sẽ trở thành chính sách, Trung Quốc sẽ phản ứng cân bằng". Điều đó có nghĩa là hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ sẽ chịu thuế nhiều hơn.
Nhưng điều đó lại mang tới bất tới bất lợi cho các thương nhân Trung Quốc và đây không khác gì là một động thái "tự bắn vào chân mình".
"Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ tự bắn vào chân mình bằng việc quấy rầy các công ty Mỹ hay bán trái phiếu chính phủ Mỹ" - các chuyên gia nhận xét.
Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc đáp trả Mỹ bằng các biện pháp tương đương như nhằm vào các công ty Mỹ ở Trung Quốc thì Bắc Kinh chắc chắn sẽ bị các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đánh giá về tình trạng nền kinh tế của nước này có thực sự đã đạt được yếu tố kinh tế thị trường hay chưa.
Tổng thống Mỹ đã từng chỉ trích WTO vì coi Trung Quốc- một nền kinh tế đứng thứ hai thế giới- là một nước đang phát triển và được hưởng các quy chế đặc biệt.
Mỹ đã từ chối công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường và chỉ trích nước này hỗ trợ quá nhiều các tập đoàn, công ty lớn trong mọi lĩnh vực, không tạo được sân chơi công bằng cho các doanh ngiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường tỷ dân này.
Nếu Bắc Kinh tiếp tục đáp trả Mỹ bằng đòn thuế quan, Trung Quốc có thể sẽ chịu những vấn đề đau đầu hơn từ các tổ chức quốc tế khi công nhận nền kinh tế thị trường và năng động của nước này.
Kim Hoa (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm