Không chỉ cho oanh tạc cơ diễn tập, Trung Quốc còn điều tàu hải quân và hải cảnh xua đuổi tàu nước ngoài ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Tàu hải quân và hải cảnh Trung Quốc vừa tuần tra phi pháp xung quanh Hoàng Sa. |
Cục Hải sự Hải Nam của Trung Quốc hôm qua thông báo nước này sẽ tiến hành cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, tại khu vực gần phía đông đảo Hải Nam từ ngày 23 - 25-5. Trước đó, Trung Quốc cũng đã tập trận bắn đạn thật tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ ngày 9 - 12-5. Tờ PLA Daily của quân đội Trung Quốc (PLA) hôm 20.5 còn ngang nhiên đưa tin một số tàu hải cảnh và tàu hải quân nước này lần đầu tiên tuần tra chung tại vùng biển xung quanh Hoàng Sa. Trong cuộc tuần tra kéo dài 5 ngày, đội tàu tuần tra chung đã “phát hiện, kiểm tra 40 tàu và xua đuổi 10 tàu cá nước ngoài” ra khỏi khu vực, theo PLA Daily. Báo này không nói rõ những tàu đó thuộc nước nào. Đáng lưu ý là cuộc tuần tra chung diễn ra khoảng 2 tháng sau khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc được đặt dưới sự kiểm soát của Cảnh sát vũ trang nhân dân, trực thuộc Quân ủy Trung ương, thay vì Cục Hải dương quốc gia như trước.
Thông tin về cuộc tuần tra được đưa ra vài ngày sau khi không quân Trung Quốc ngang nhiên thông báo đã cho oanh tạc cơ H-6K diễn tập cất hạ cánh tại một đường băng được cho là tại đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. Trước đó, Trung Quốc đã điều máy bay quân sự, đưa tên lửa xuống 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp. Hôm qua, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời quyền Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cảnh báo sau những động thái trên, Trung Quốc sẽ sớm điều oanh tạc cơ tương tự tới Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Ông Carpio cho rằng Trung Quốc triển khai khí tài, xây dựng cơ sở quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa nhằm phô diễn ưu thế quân sự để buộc Philippines cũng như các bên tranh chấp khác phục tùng mà không cần phải khai hỏa. Từ đó, ông Carpio kêu gọi Philippines hợp sức với những bên tranh chấp còn lại và các nước quan tâm tự do hàng hải, hàng không để cùng chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Ông Carpio lập luận nếu không phản đối, điều đó có nghĩa Philippines mặc nhiên công nhận hoặc tán thành hành vi quân sự hóa của Trung Quốc và cả yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của nước này ở Biển Đông.
Văn Khoa/thanhnien