Tin tức

Trung Quốc không thể thắng nếu chơi bài "tổng bằng 0" ở Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu Trung Quốc đơn phương áp đặt ý chí của mình lên khu vực, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ của Trung Quốc với đối tác.

Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa ở phía Nam Biển Đông của Việt Nam gần đây được đánh giá là sự vụ rất nghiêm trọng. Động thái nguy hiểm của Trung Quốc không chỉ vấp phải sự lên án gay gắt từ phía Việt Nam mà còn từ những tiếng nói yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý khắp nơi trên thế giới.

 

Đá Subi bị Trung Quốc bồi đắp, quân sự hóa trái phép. Ảnh: CSIS.



Trung Quốc hành động sai trái không thể biện minh

“Đây rõ ràng là một sự vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), tôi không thấy có điều gì có thể biện minh cho các hoạt động hiện nay của Trung Quốc. Việt Nam có mọi quyền để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình. Theo UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế 3 năm trước đây thì khu vực biển đó thuộc về Việt Nam”, ông Bill Hayton, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nói.

Giáo sư Stein Tonnesson thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, Na Uy cùng chia sẻ quan điểm trên: “Tôi cho rằng đây là một hành vi đáng chê trách từ phía Trung Quốc. Theo UNCLOS, Trung Quốc không có quyền được khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác”.

Nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsuhito Asano thì khẳng định hành vi của Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS 1982, gây ảnh hưởng tới an ninh của Biển Đông và khu vực. Trung Quốc không những xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà gần đây đang gia tăng những hành động quân sự hóa tại Biển Đông. Điều này kích động chiến tranh, coi thường luật pháp và dư luận quốc tế.

Trước việc Trung Quốc có hành động coi thường luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.

Không ngừng gia tăng ảnh hưởng…

Không thể phủ nhận rằng Biển Đông là một vấn đề nhạy cảm. Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông trong khi các quốc gia thành viên ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này. Trong những năm gần đây, cùng với việc nền kinh tế phát triển nhanh chóng, Trung Quốc cũng không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự và ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn đối với vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc đã bất chấp dư luận quốc tế, bồi đắp trái phép các bãi đá, rạn sạn hô ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo và không ngừng quân sự hóa các thực thể này, hòng củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông, phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế năm 2016 vốn phủ nhận các yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển này.

Có thể hiểu được rằng Trung Quốc coi Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích của họ. 70% khối lượng dầu thô và 90% giao dịch hàng hóa của Trung Quốc đi qua vùng biển này. Biển Đông cũng là một trong những tuyến đường giao thương hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới. Vì thế, những yếu tố cạnh tranh chiến lược trong khu vực là điều khó có thể tránh khỏi và đương nhiên, với tham vọng của mình, Trung Quốc muốn giành vị thế thống trị ở đây.

Tuy nhiên, Trung Quốc nên nhận ra rằng Biển Đông cũng quan trọng không kém đối với các nước láng giềng cũng như các quốc gia ngoài khu vực nhưng có lợi ích chiến lược ở Biển Đông. Có thể lấy một ví dụ rất đơn giản, đó là có gần 50% tàu của Ấn Độ đi qua khu vực và New Delhi có lợi ích hợp tác đầu tư khai thác dầu khí hợp pháp trong vùng biển này.

Không thể chơi bài  “tổng bằng 0”

Bài bình luận trên tờ Times of India cho rằng, nhìn tổng thể, một số quốc gia có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông nhưng không nước nào có thể giành thắng lợi nếu chơi trò “tổng bằng 0” (tôi được, anh mất; tôi mất, anh được). Nếu Trung Quốc đơn phương áp đặt ý chí của mình lên khu vực, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước ASEAN. Điều này sẽ không có lợi về lâu dài. Ngoài ra, Trung Quốc cần phải tự hỏi lại bản thân liệu nước này muốn “trỗi dậy hòa bình” hay “trỗi dậy phẫn nộ”. Nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến các nước khác phẫn nộ, Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình.

Một câu hỏi lớn hơn đặt ra cho Trung Quốc lúc này là, khi Bắc Kinh trỗi dậy, tư tưởng văn minh của họ đối với thế giới sẽ là gì? Liệu Trung Quốc có tin vào chủ nghĩa đơn phương hay không? Khi đó, một trong những cáo buộc mà Trung Quốc hay nhằm vào Mỹ sẽ chính là đòn “gậy ông đập lưng ông” mà Trung Quốc phải nhận. Trung Quốc có thể mời gọi các nước khác tham gia vào quá trình tăng trưởng của mình bằng những lợi ích kinh tế và thịnh vượng chung. Tuy nhiên, muốn có được điều đó thì Trung Quốc sẽ phải từ bỏ cách tiếp cận cưỡng ép, bắt nạt hiện nay mà họ đang theo đuổi, đặc biệt trong những vấn đề như Biển Đông.


Thay vào đó, cần phải đẩy nhanh các cuộc đàm phán để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, có ràng buộc về mặt pháp lý để quản lý những lợi ích chồng chéo hiện nay, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Nhưng trước khi đạt được điều này, các bên liên quan như Việt Nam, Malaysia, ASEAN, Mỹ, Ấn Độ… cần phải lên tiếng về những hành vi sai trái của Trung Quốc, nhấn mạnh việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và giữ gìn sự tôn nghiêm của EEZ hợp pháp.

Hùng Cường/VOV.VN
 

Có thể bạn quan tâm